Kết quả 1 đến 1 của 1
-
11-05-2015, 06:58 AM #1Senior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 4,520
Nâng hạng thị trường chứng khoán để tăng thu hút vốn đầu tư
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Bức tranh kinh tế vĩ mô trong năm 2015 dự báo sẽ tiếp tục ổn định, mặt bằng lãi suất thấp, chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm… được coi là nền tảng hỗ trợ hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp và phát triển bền vững thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hình thành khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh, cùng các giải pháp nâng hạng cũng sẽ giúp đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên vị thế mới, tăng thu hút dòng vốn đầu tư từ các tổ chức đầu tư lớn.
Theo ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), thị trường chúng khoán đang đứng trước cơ hội phát triển tốt trong năm 2015 nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, ký kết các hiệp định thương mại tự do như TPP…
Tuy nhiên, theo phân loại của Tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới ( MSCI - Morgan Stanley Capital International ), rào cản lớn nhất của thị trường chứng khoán trong nước là ở vị thế cận biên, thị trường sơ khai có độ rủi ro cao. Do đó khả năng phân bổ vốn đầu tư của các tổ chức đầu tư quốc tế vào Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ.
Bên cạnh đó, ông Trà cũng thừa nhận, thực tế thị trường chứng khoán trong nước có quy mô khiêm tốn so với các thị trường khu vực và thế giới, dẫn tới sự khiêm tốn về thanh khoản, ảnh hưởng tới việc giải ngân của các tổ chức đầu tư lớn. Bên cạnh đó là việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam.
Theo Công ty Chứng khoán Alpha, trong đánh giá khả năng tiếp cận thị trường của Tổ chức MSCI, Việt Nam có mức giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tối đa 49%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore và Malaysia với khoảng 70%. Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn sơ khai và cần cải thiện ở nhiều tiêu chí như mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ hiệu quả của hệ thống hoạt động…
Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Alpha Lê Văn Cường cho rằng, giá dầu mỏ ở mức thấp kỷ lục sẽ giúp tăng trưởng kinh tế trong nước, cùng với giảm lạm phát và trần lãi suất sẽ là những điều kiện tốt để thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2015. Song, thị trường chứng khoán trong nước hiện quy mô còn nhỏ, chưa thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Do đó, “để tận dụng cơ hội phát triển thị trường chứng khoán, chắc chắn việc hoàn thiện khung pháp lý và tiến tới giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh là cần thiết. Bởi điều này không chỉ giúp đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường mà còn giúp phòng ngừa rủi ro và gia tăng lợi nhuận của nhà đầu tư” - ông Cường bày tỏ.
Ngoài nền tảng là sự ổn định kinh tế, thì việc ban hành khung pháp lý cho thị trường phái sinh, nới tỷ lệ sở hữu được nhiều chuyên gia đánh giá là điều kiện để giúp phát triển thị trường chứng khoán lên tầm cao hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức cũng như hạ tầng, công nghệ… của các thành viên tham gia thị trường.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2016, Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh. Đầu năm 2015, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã giao nhiệm vụ cho hai Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký và các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng cho triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc nâng hạng thị trường.
Đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho thị trường hoạt động công khai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...
Như vậy, có thể nói, năm 2015 sẽ là năm bản lề của kế hoạch xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh và các giải pháp nâng hạng thị trường. Để đón đầu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đặt ra mục tiêu phối hợp với tổ chức tư vấn nước ngoài thực hiện các giải pháp như sửa đổi thông tư công bố thông tin theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế nhằm cải thiện tính minh bạch; giúp doanh nghiệp niêm yết xây dựng báo cáo thường niên và báo cáo tài chính tiếng Anh...
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng cho rằng, các thành viên thị trường đều phải có những đầu tư cơ bản cho hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm giao dịch, kế hoạch đào tạo nhân lực để triển khai tốt các sản phẩm phái sinh và góp phần nâng hạng thị trường.
Ông Lê Hải Trà cho biết, thị trường phái sinh là l ĩnh vực phức tạp và sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân đòi hỏi phải có đào tạo, chuẩn bị các kiến thức cơ bản cần thiết, để họ có thể hiểu và tham gia thị trường một cách hiệu quả.
Về phần Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc hỗ trợ trong đào tạo kiến thức, Sở rất nỗ lực triển khai dự án công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch mới cho toàn thị trường để vận hành an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, ông Trà cũng cho rằng, giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam là chúng ta phải nâng hạng từ cận biên lên với vai trò cao hơn trong phân loại của Tổ chức MSCI như thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, ngoài các sản phẩm phái sinh thì phải cải thiện được quy mô thị trường cũng như tính thanh khoản; tháo gỡ tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sự thay đổi vị thế sẽ khiến các tổ chức đầu tư nước ngoài giải ngân nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Đó là yếu tố cơ bản nhất để thu hút các dòng vốn ngoại và tạo động lực phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2015./.
Theo vietnamplus.vnView more random threads:
- Giao dịch giằng co, VN-Index kết thúc trong sắc đỏ
- Chứng khoán châu Á đi xuống trước sức ép của đồng yen mạnh
- Lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ đã tăng nhẹ
- Các sàn chứng khoán châu Á phần lớn ngập trong sắc đỏ
- Dòng tiền “thu gom” blue-chip, chứng khoán tăng vọt
- Chứng khoán châu Á nối dài đà giảm của Phố Wall
- Một quỹ đầu tư Mỹ khởi kiện chính phủ Hàn Quốc
- Thiếu vắng lực đỡ, chỉ số VN-Index tiếp tục đánh rơi hơn 2 điểm
- Chứng khoán khởi sắc ở phiên giao dịch cuối tuần
- Nhìn lại năm 2014 nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán