Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)


Biên độ tăng giá của nhóm dẫn đầu trên sàn HoSE tuần này đã bị thu hẹp đáng kể so với vài tuần trở lại đây khi CII ở vị trí quán quân chỉ có tỷ lệ gần 19%.



Thống kê chi tiết hơn của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 5/6 cho thấy, trên sàn HoSE, mã CII của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã có tổng số 4 phiên tăng giá trong tuần này.



Mở đầu tuần với phiên lùi điểm nhẹ, CII ngay lập tức được nhà đầu tư tranh mua và tăng liên tục trong những phiên còn lại của tuần trong đó có 2 phiên tăng kịch trần.



Điều này giúp CII tăng giá từ 19.800 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước lên 23.500 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên ngày 5/6 và vững vàng ở vị trí quán quân nhóm tăng giá với tỷ lệ 18,69%. So với tuần trước, tỷ lệ tăng này là khá hẹp. Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng Năm, biên độ tăng giá nhóm dẫn đầu dao động từ 16%-27%.



Về phía CII, trong những thông tin công bố trước đó, kết quả kinh doanh quý 1 của đơn vị này đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ CII đã đạt gần 172 tỷ đồng. Trong quý 1 năm ngoái, con số lợi nhuận được báo cáo chỉ là 93,5 tỷ đồng.



Đứng ở vị trí thứ 2 là PXT của Công ty cổ phần Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí với mức tăng 22,22%. Sau năm ngày giao dịch tuần này, PXT đã vươn từ 3.800 đồng/cổ phiếu lên 4.400 đồng/cổ phiếu.



Trong giải trình của mình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước đó, PXT cho biết, đơn vị này trong quý 1 mặc dù có doanh thu giảm 18% nhưng lợi nhuận lại tăng tới 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận trên PXT là do giá vốn hàng hóa bán giảm 55%, và khiến tỷ trọng vốn bán hàng trên doanh thu ở mức thấp.



HVX, PGD và LSS là những mã còn lại trong nhóm tăng giá với tỷ lệ dao động khoảng 12,77%-15,09%



Ở chiều ngược lại, nhóm năm mã chứng khoán giảm giá mạnh nhất tuần gọi tên VLF ở vị trí đầu tuần.



Sau 5 ngày giao dịch, mã VLF của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long đã có tới 4 phiên lao dốc trong đó có 3 phiên chạm sàn. Tình cảnh ấy đẩy giá cổ phiếu này rơi từ 5.100 đồng/cổ phiếu xuống 4.100 đồng/cổ phiếu, tương đương 19,61%.



Những thông tin kinh doanh gần đây của VLF thực tế không mấy tích cực. Cụ thể, doanh thu của đơn vị này trong quý đầu tiên chỉ đạt gần 58,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số trên 231 tỷ của cùng kỳ năm ngoái.



Đứng sau VLF, HLG và SGT là những mã ở vị trị giảm giá mạnh thứ 2 và thứ 3 trong tuần với tỷ lệ lần lượt là 15,63% và 14%.






Bên sàn HNX, vị trí quán quân nhóm biến động giá tuần này đều là những cái tên cũ. Trong nhóm tăng giá, mã SHN của Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội tiếp tục là mã tăng giá mạnh nhất sau 1 tuần giao dịch.



SHN đã có một tuần tăng giá trọn vẹn trong đó có 2 phiên tăng kịch biên độ. Nếu tính cả tuần trước, mã này đã có tổng cộng 9 phiên tăng giá và chỉ 1 phiên đi ngang.



Với tuần giao dịch thăng hoa đầu tháng Sáu, SHN hiện có mức giá là 15.800 đồng/cổ phiếu, tăng 5.500 đồng/cổ phiếu so với chốt phiên giao dịch tuần trước. Tỷ lệ tăng giá trong tuần này của SHN là trên 53%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao tuần trước khi cách đây 7 ngày, mã này cũng ở vị trí quán quân nhưng mức tăng chỉ là hơn 43%.



Hai mã TTZ và V21 lần lượt ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong tốp cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua của sàn HNX với mức tăng khoảng trên 30%.






Ở phía ngược lại, mã CCM của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ lần đầu tiên trong vòng 1 tháng qua đã thoát khỏi nhóm giảm giá mạnh nhất sàn.



Tuy nhiên, nhóm mất giá tuần này vẫn xuất hiện 1 cái tên cũ là mã OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương ở vị trí đứng đầu. OCH đã có một tuần chìm trong sắc đỏ trong đó có 2 phiên nện sàn.



Từ mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước, OCH đã lao dốc một mạch xuống mức 11.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm là trên 38%.



Trong những thông tin liên quan tới OCH mới nhất, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã đưa cổ phiếu của công ty này vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch từ 5/6. Trong tuần trước, OCH cũng đã giảm tổng cộng 6.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 27%.



SDN, HTC, STC và PHH là những cái tên còn lại trong nhóm với mức giảm từ 12,68%-29,98%./.




Theo vietnamplus.vn