Ảnh minh họa. (Nguồn: bloomberg)


Chứng khoán Mỹ nối dài 'sắc đỏ' sang ngày thứ hai liên tiếp trong phiên đêm 25/6, trong bối cảnh Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế một lần nữa lại thất bại trong việc phá vỡ những bế tắc giữa hai bên trong các cuộc đàm phán khẩn cấp mới nhất, đưa nước này đứng trước bờ vực vỡ nợ vào cuối tháng Sáu.



Thị trường ít bị tác động sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết ủng hộ ObamaCare. Kết thúc phiên 25/6, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều mất điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average trượt 75,71 điểm (0,42%) xuống chốt phiên ở 17.890,36 điểm; S&P 500 giảm 6,27 điểm (0,30%) xuống 2.102,31 điểm và Nasdaq mất 10,22 điểm (0,20%) xuống 5.112,19 điểm.



Sức bật tăng của nhóm cổ phiếu lĩnh vực y tế, sức khỏe cũng chỉ giúp kiềm chế bớt đà giảm chung của thị trường. Đứng sau sự tăng giá của nhóm cổ phiếu này là việc Toà án Tối cao Mỹ trong cùng ngày đã bất ngờ thay đổi một điều khoản chủ chốt trong chương trình cải cách lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Mỹ Barack Obama.



Tuy nhiên, đà giảm đã có phần chững lại so với mức giảm của phiên liền trước, nhờ sự tăng mạnh của các cổ phiếu ngành y như HCA Holdings (+8,8%), Tenet Healthcare (+12,2%)... do được hưởng lợi từ phán quyết của Tòa án Tối cao rằng chính phủ liên bang có quyền trợ cấp cho các bang để hỗ trợ người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, có điều kiện mua bảo hiểm y tế. Đây là phán quyết mang tính ủng hộ chương trình cải cách bảo hiểm y tế, thường gọi là ObamaCare, một chương trình đảm bảo cho hàng triệu người dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế.



Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ sáng 25/6 sau khi các chủ nợ yêu cầu Thủ tướng Hy Lạp Tsipras chấp nhận một đề xuất nhượng bộ hoặc đưa ra một kế hoạch 'được ăn cả ngã về không' trước các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong khi đó, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, các bộ trưởng đã xem xét đề xuất riêng của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis trước khi quyết định ngừng đàm phán.



Một số quan chức nói rằng không có cơ hội nào để các chủ nợ chấp nhận đề xuất mới của Hy Lạp và họ đang chuẩn bị các kế hoạch 'khoanh vùng' Hy Lạp nhằm ngăn chặn nguy cơ kinh tế biến động vì Hy Lạp phá sản.



Và như vậy là sau rất nhiều 'thời hạn chót' để Hy Lạp chấp nhận kế hoạch cải cách nhằm được giải ngân 7,2 tỷ euro bị phá vỡ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mốc 27/6 là 'cơ hội cuối cùng' của Athens để đạt được một thỏa thuận, hoặc họ sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng một 'kế hoạch B' nhằm ngăn chặn nguy cơ xứ sở thần thoại vỡ nợ, làm tổn hại đến toàn bộ phần còn lại của Eurozone./.


Theo vietnamplus.vn