Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)


Tâm điểm của thị trường tuần này là nhóm cổ phiếu bảo hiểm trong đó nổi bật nhất là BMI của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh với tỷ lệ tăng giá lên tới hơn 37%.



Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 17/7 cho thấy, trên sàn HoSE, BMI đã tăng giá từ 19.000 đồng/cổ phiếu lên 26.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 37,37%.



Nhìn lại tuần qua, BMI đã có trọn vẹn 1 tuần tăng giá trong đó có tới 3 phiên tăng kịch trần. Không chỉ BMI, trong tuần qua BVH của Tập đoàn Bảo Việt và BIC của Tổng Công ty bảo hiểm BIDV cũng là những cái tên được nhắc tới với đà tăng ấn tượng.



Lợi nhuận trước thuế của Bảo Minh trong quý 1 đạt khoảng gần 28,7 tỷ đồng, tăng so với con số chưa tới 28 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là điều đã được dự báo từ trước của giới đầu tư và thậm chí BMI còn được nhận định sẽ được 'săn đón' trong tầm trung và dài hạn.



Theo đánh giá của nhà đầu tư, bên cạnh hoạt động kinh doanh và quản trị dần tốt lên, BMI có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn với mức tỷ suất khoảng 6% khiến cho cổ phiếu này khá phù hợp.



Đứng sau BMI, mã PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam đứng ở vị trí thứ 2 với mức tăng gần 21%.



Lùi nhẹ 100 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần tuy nhiên 3 phiên tăng giá kịch biên độ trước đó đã giúp PNC vẫn giữ được mức tăng sau 5 phiên lên tới 2.400 đồng/cổ phiếu.



Về những thông tin kinh doanh mới nhất của PNC, kết thúc quý 1, PNC đạt doanh thu hợp nhất gần 74,6 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lỗ của PNC trong 3 tháng đầu năm vẫn được ghi nhận ở mức gần 3,9 tỷ đồng.



Theo lý giải của PNC, việc tăng doanh thu do tình hình kinh doanh khả quan tuy nhiên chi phí bán hàng cũng đồng loạt tăng như chi phí mặt bằng, lương, giá dịch vụ điện, nước, xăng dầu. Điều này khiến việc thua lỗ của PNC vẫn chưa cải thiện được



Đáng chú ý, trong đại hội cổ đông vừa tổ chức tuần này, tình hình kinh doanh của PNC đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong số này, cổ đông không đồng ý với báo cáo kinh doanh của PNC và cho rằng khoản lời 2,4 tỷ đồng chưa rõ đã hạch toán đủ hay không. Việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng theo ý kiến ghi nhận tại đại hội là cũng khó hoàn thành.



BGM, EMC và DTT là những mã ở các vị trí còn lại của nhóm tăng giá với mức tăng từ 15,38%-17,86%.



Ở chiều ngược lại, mã AMD của Công ty cổ phần Đầu tư AMD Group là mã mất giá nhiều nhất sàn HoSE.



Trừ 1 phiên tăng giá đầu tuần tuần, DAG liên tục chìm trong sắc đỏ trong 4 phiên còn lại trong đó có 1 phiên nện sàn. Qua đó, AMD đã giảm tổng cộng 3.600 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giảm là gần 19%.



HOT, VLF, SCD và STT lần lượt là các mã ở vị trí còn lại trong nhóm với mức giảm từ 10,42%-12,37%.






Bên sàn HNX, mã CCM Công ty cổ phần Khoáng sản và Ximăng Cần Thơ là mã tăng giá mạnh nhất.



Sau 5 phiên giao dịch tuần này, CCM đã có tổng cộng 4 phiên tăng kịch trần và chỉ 1 phiên đi ngang. Điều này giúp CCM có thêm ​5.100 đồng/cổ phiếu, tương đương ​ hơn 44%.



Kết quả kinh doanh quý 1 của CCM đang cho thấy nhiều điểm tích cực. Lợi nhuận sau thuế của CCM đạt trên 3 tỷ đồng, tăng gần 1,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giải trình của CCM với cơ quan chức năng, mức tăng trên tương đương tỷ lệ tới 49%.



Nguyên nhân của sự chênh lệch đáng kể trên theo lý giải của CCM với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bởi CCM trong quý 1 đã 'không trích lập dự phòng đầu tư ngắn hạn vào các công ty con và công ty liên kết.'



Mã PIV của Công ty cổ phần PIV đứng ở vị trí thứ 2 với tỷ lệ tăng trên 35,5%. Trước đó, báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm của SGC cho thấy, công ty này đạt lợi nhuận trên 625 triệu đồng, tăng so với con số trên 365 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.



NHA, VMC và MIM là những mã ở vị trí tiếp theo với mức tăng dao động trong khoảng 17,86%-20,41%.






Về những mã giảm giá, mã SHA của Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn chấp nhận là mã mất giá nhiều nhất trên sàn.



Ngoài 1 phiên duy nhất tăng 800 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần, 4 phiên còn lại trong tuần, SHA đều mất giá trong đó có 3 phiên giảm kịch biên độ. Tổng cộng, cổ phiếu này đã đánh rơi 3.300 đồng/cổ phiếu (-22,92%) trong những phiên giao dịch tuần qua.



Về tình hình kinh doanh SHA trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của đơn vị này tăng 33,7%, tương đương tăng 26 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được SHA tự đánh giá là do kênh bán hàng của SHA đã triển khai tốt các điểm bán, đại lý cấp 2 nên thị phần tăng trưởng tốt.



Đây là một trong những lý do giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ gần 64%, tương ứng mức tăng 1,2 tỷ đồng.



SDN, SIC, PCG và HGM là những mã ở các vị trí còn lại với tỷ lệ giảm từ 16,03%-18,6%./.




Theo vietnamplus.vn