Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)


Vị trí đứng đầu nhóm tăng giá tuần trước là mã NAV của Công ty cổ phần Nam Việt tiếp tục xuất hiện trong bảng xếp hạng tuần này nhưng với tư cách là một trong những mã mất giá nhiều nhất.



Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 28/8 cho thấy, trên sàn HoSE, thế chân NAV là mã PTC của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện.



PTC đã có một tuần giao dịch khởi sắc khi có tới 5 phiên tăng giá trong đó có 3 phiên tăng kịch trần. Mã này qua đó đã tăng giá từ 9.300 đồng/cổ phiếu lên 11.900 đồng/cổ phiếu. Mức tăng này tương đương tỷ lệ gần 28%.



Thông tin mới nhất trong tháng này liên quan tới PTC là hoạt động thoái hết vốn của đơn vị này tại Công ty cổ phần Simco Sông Đà (SDA). Theo đó, kể từ ngày 11/8, PTC đã bán hơn 1 triệu cổ phiếu, tương đương 7,65% vốn điều lệ của SDA và qua đó ra khỏi danh sách cổ đông lớn của SDA.



Về tình hình kinh doanh của PTC, báo cáo cho thấy, doanh thu của PTC trong quý 2 đạt hơn 24,4 tỷ đồng, sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Về lợi nhuận sau thuế, PTC đang âm gần 2,4 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm tới hết tháng Sáu, số lỗ được ghi nhận của PTC đã lên tới hơn 6,4 tỷ đồng.



Đứng ở vị trí thứ 2 nhóm tăng giá là mã VID của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông. Trong tuần này, ngoài phiên đầu tuần 'hoảng loạn' của thị trường kéo VID chạm sàn, 4 phiên tiếp theo, VID đều tăng kịch biên độ. Sau 5 phiên, VID đã có thêm 900 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ hơn 19%.



Về tình hình kinh doanh, cũng giống như mã đứng đầu, VID trong 6 tháng đầu năm đang có sự sụt giảm về doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Con số doanh thu được tính toán trong nửa đầu năm nay của VID là khoảng gần 40,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 60,7 tỷ đồng.



Tuy vậy, số lỗ trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã giảm so với cùng kỳ trước đó khi ở mức hơn 7,8 tỷ đồng.



RDP, ASP và PNC là những mã ở các vị trí tiếp theo với mức tăng trong khoảng 16,96%-17,92%.






Ở chiều ngược lại, nhóm năm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn HoSE chứng kiến mã NAV của Công ty cổ phần Nam Việt xuất hiện ở vị trí thứ 5.



NAV sau một tuần thăng hoa đã liên tục lao dốc trong những phiên giao dịch tuần này và thậm chí có tới 2 phiên chạm sàn. Điều này đẩy quán quân nhóm tăng giá tuần trước lùi về mức giá 8.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 13%.



Như trước đó đã thông tin, trong quý 2 năm nay, NAV có doanh thu là trên 57 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là khoảng gần 3,9 tỷ đồng. Mức lợi nhuận trên theo NAV đã tăng khoảng hơn 25% so với quý 2 năm ngoái. Một phần nguyên nhân được NAV báo cáo cơ quan chức năng là trong quý 2, công ty đã nhượng bán bất động sản và thanh lý hàng tồn kho giúp giảm chi phí quản lý, tăng lợi nhuận.



Đứng đầu nhóm mất giá tuần này là mã TTP của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến. TTP đã có một tuần trọn vẹn nện sàn và đánh rơi tổng cộng 13.000 đồng/cổ phiếu. Mức giảm trên ứng với tỷ lệ là 27,66%.



Thực tế, kết quả kinh doanh gần đây của TTP khá tích cực. Lợi nhuận sau thuế của đơn vị này trong quý 2 lên tới hơn 16 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, mức lợi nhuận của TTP đã đạt trên 25,9 tỷ đồng.



Bên sàn HNX, nhóm 5 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất gọi tên mã BXH của Công ty cổ phần Vicem Bao bì Hải Phòng ở vị trí đứng đầu.



Trong tuần, BXH mặc dù có 1 phiên chạm sàn giữa tuần nhưng 4 phiên còn lại nhuộm sắc xanh đủ khiến mã này có mức tăng hơn 29%.



Thông tin cập nhật mới đây về BXH là tình hình kinh doanh 6 tháng của đơn vị này với mức doanh thu là hơn 82,9 tỷ đồng. Mức doanh thu này thấp hơn so với con số hơn 108 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.



Lợi nhuận sau thuế của phía BXH qua đó cũng có sụt giảm so với cuối tháng Sáu năm ngoái khi chỉ đạt hơn 2,4 tỷ đồng.



Có mức tăng gần với BXH nhất là QHD của Công ty cổ phần Que hàn điện Việt Đức với tỷ lệ 25,81%.



VC3, VC6 và V21 lần lượt là những mã còn lại trong nhóm tăng giá mạnh nhất sàn HNX. Biên độ tăng giá của những mã này được duy trì ở ngưỡng 20%-24,33%.






Về những mã giảm giá, mã ACM của Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường tuần thứ hai liên tiếp là mã mất giá nhiều nhất sàn.



Với 4 phiên nện sàn tuần này, ACM rơi từ ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu xuống 3.700 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ giảm tương ứng là 26%.



Tình cảnh này của ACM đã duy trì từ tuần trước. Trong tuần giao dịch trước đó, mã này đã giảm tổng cộng 3.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tới tỷ lệ mất giá tới hơn 39%. Như vậy, trong 10 phiên gần đây nhất, ACM đã chạm sàn tới 9 lần và chỉ có 1 phiên duy nhất tăng giá ngày 28/8.



Trước đó, tình hình kinh doanh quý 2 của ACM đã được công ty công bố với sự sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế.



Đơn vị này trong quý 2 có doanh thu trên 65 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 102 tỷ đồng quý 2 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế trong quý của ACM được tính toán ở mức hơn 10,1 tỷ đồng, giảm so với mức lãi gần 11,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.



Xếp ở vị trí số 2 nhóm mất giá là mã CJC của Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung. Đây là cái tên được nhắc tới khá nhiều trong những phiên giao dịch tháng Tám. Hai tuần đầu tháng, CJC luôn nằm trong top tăng giá mạnh nhất sàn và thậm chí đã có tuần tăng giá tới 60% sau 5 phiên giao dịch.



Tuy vậy, CJC sau đó dần quay đầu trượt dốc và thậm chí phải chấp nhận một 'chân' trong top mất giá nhiều trên sàn HNX tuần này.



Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của CJC cho thấy, doanh thu của đơn vị này tăng so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 133,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của CJC chỉ đạt gần 365,6 triệu đồng, giảm so với con số gần 493,6 triệu đồng của quý 2 năm 2014.



Nguyên nhân của sự chênh lệch trên theo lý giải của CJC với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là do 'chi phí lãi vay cao.'



VC5, VLA và NDF lần lượt là các mã ở vị trí còn lại trong top giảm giá với biên độ giảm giá từ 16,22%-21,43%./.




Theo vietnamplus.vn