Trong phiên giao dịch ngày 17/8, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt đỏ sàn,
khi niềm tin tiêu dùng tại Mỹ thấp hơn mong đợi làm gia tăng những nghi ngờ về
tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này và làm giảm sức hấp dẫn
đối với những tài sản rủi ro.



Các thị trường Tokyo, Thượng Hải và Hongkong dẫn đầu sự suy giảm chứng khoán khu
vực.



Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 328,72 điểm (3,1%), xuống 10.268,61 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hongkong mất 3,6%, xuống 20.313,46 điểm và chỉ số Shanghai
của Thượng Hải mất 176,34 điểm (5,79%), xuống 2.870,63 điểm.



Các chỉ số khác như Kospi của Hàn Quốc giảm 2,79%, Weighted của Đài Loan giảm
1,9%, chỉ số S&P/ASX200 chuẩn của Australia giảm 1,63%.



Giám đốc quản lý ở SG Asset Management tại Hongkong, Winson Fong, nhận xét sau
khi tăng hơn 50% trong năm nay, sự suy giảm của các thị trường châu Á là một sự
điều chỉnh tất yếu và báo cáo tiêu dùng của Mỹ chỉ là một nhân tố tác động.



Theo ông Winson Fong, do mua vào quá nhiều trước đó, nhiều nhà đầu tư đang bán ra chốt lời
và trong hai tuần tới, hiện tượng bán ra này sẽ phổ biến hơn.



Theo các nhà phân tích, dường như các nhà đầu tư không nhận được sự khích lệ từ
việc Nhật Bản trở thành nền kinh tế G7 thứ ba, sau Đức và Pháp, thoát khỏi suy
thoái.



Chuyên gia kinh tế Kyohei Morita ở Barclays Capital, cho rằng kinh tế Nhật Bản
thoát khỏi suy thoái là nhờ những biện pháp kích thích của chính phủ nước này
cũng như của các nước khác, chứ không phải sự tăng trưởng tự thân.



Chứng khoán Trung Quốc, đã tăng trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư lạc
quan rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này sẽ kéo phần còn lại của thế giới ra
khỏi suy thoái, cũng giảm xuống mức thấp trong 7 tuần.



Việc giá cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính, công nghiệp và nguyên liệu đã khiến
chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương giảm 2,2% và ở mức thấp của
tháng. Tuy nhiên, chỉ số này đã tăng 75% kể từ ngày 9/3, khi chứng khoán toàn
cầu bắt đầu phục hồi./.





Theo vietnamplus.vn