Dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên HoSE tuần này thuộc về mã chứng khoán FLC với 40 triệu đơn vị. Kế tiếp là mã CII có gần 32 triệu cổ phiếu chuyển nhượng trong tuần đồng thời các vị trí tiếp sau trong top 5 thuộc về ITA, HAG, HQC.



Trên sàn HNX, cổ phiếu SHB từ vị trí thứ hai của tuần trước đã vươn lên dẫn đầu về khối lượng giao dịch với gần 27 triệu đơn vị. Đứng thứ hai là mã KLF, khối lượng giao dịch trên 15 triệu đơn vị và SCR, TIG, PVS giữ các vị trí kế tiếp.



Diễn biến thị trường trong tuần hầu hết là đi ngang tích lũy, áp lực chốt lời gia tăng bên cạnh đó dòng tiền đã chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cho đến cuối tuần lực cầu mới quay lại trở lại nhóm cổ phiếu blue-chip.




Chốt tuần, chỉ số VN-Index tăng 0,85% lên mức 593,02 điểm và chỉ số HNX-Index vẫn duy trì mức tăng ổn định với 4/5 phiên tăng điểm và chốt tuần tăng 0,53%, lên 81,18 điểm.




Cụ thể, nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản dẫn đầu về mức tăng, các mã ITA (+8,06%), HQC (+6,67%), CII (+4,76%), CTD (+4,43%), KBC (+3,52%), DXG (1,61%).



Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC dự định thoái vốn cũng có mức tăng khả quan, mã VNM (+4,95%), FPT (+1,97%), BMI (+4,55%).




Nhóm cổ phiếu ngân hàng chốt tuần cũng có đà tăng nhẹ, các mã CTG (+3,43%), VCB (+0,43%), BID (0,41%).



Chiều ngược lại nhóm cổ phiếu dầu khí chịu ảnh hưởng từ giá dầu thế giới liên tục suy giảm đã đồng loạt điều chỉnh, mã GAS (-1,86%), PVD (-2.11%), PXS (-2,99%).




Tuần qua, thanh khoản trên sàn HoSE giảm 19,5% so với tuần trước đó, nhưng vẫn duy trì lượng giao dịch tích cực, trong khi trên sàn HNX, thanh khoản sụt giảm gần 16%.



Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Tuần qua, khối ngoại mua ròng nhẹ 3,63 tỷ đồng trên sàn HNX, song họ bán ròng 166,58 tỷ đồng phía sàn HoSE do một số mã trụ cột bị khối này bán thỏa thuận.



Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là mã HQC với khối lượng gần 3,2 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã SSI đạt 2,4 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã KBC, DCM, ITA.



Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu CII, khối lượng lên tới gần 13 triệu đơn vị, kế sau là mã HAG có khối lượng bán ròng 8,9 triệu đơn vị.



Phía sàn HNX, mã TIG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 966.490 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là SHB, PVS, VCG, LAS.



Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhiều nhất tại mã cổ phiếu KLS, với 474.300 đơn vị, tiếp đến là các mã SHS, BVS, PVC, SPI.




Diễn biến thị trường cả tuần đi ngang sau những phiên giao dịch bùng nổ trước đó nhờ sự kiện TPP hoàn tất. Tuần này, áp lực chốt lời xuất hiện do thiếu vắng các thông tin hỗ trợ tích cực, thêm vào đó những diễn biến kém tích cực về các số liệu của nền kinh tế Trung Quốc và tỷ giá có dấu hiệu biến động mạnh trở lại khiến tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dâng cao.




Thanh khoản do vậy cũng có dấu hiệu giảm sút so với tuần trước, tuy vậy lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao, bình quân khoảng 140 triệu đơn vị/phiên trên cả hai sàn. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn ở trong thị trường, nhưng giao dịch có chọn lọc, thay vì xu hướng mua vào quyết liệt và dàn trải như tuần giao dịch trước đó.




Theo các chuyên gia phân tích, dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các mã cổ phiếu và không xuất hiện tín hiệu của việc rút vốn đứng ngoài là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo cho đà tăng của thị trường được duy trì trong thời điểm hiện tại.




Sau một tuần giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp, lực cầu đã dần quen với mặt bằng giá mới kết hợp với các yếu tố hỗ trợ liên quan tới đề án tái cơ cấu của SCIC, tỷ giá ổn định trở lại và kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp dần được công bố sẽ giúp thị trường duy trì đà tăng trong các phiên sắp tới.




Nhận định chung từ giới phân tích, trong ngắn hạn nếu VN-Index vượt được mốc 600 điểm, mục tiêu tiếp theo sẽ hướng tới của chỉ số này sẽ là vùng 615 điểm-620 điểm.







Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.



Theo vietnamplus.vn