Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 18/7, khi không có bất kỳ
sự đột phá nào đối với cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng nghiêm trọng ở khu vực
đồng euro (Eurozone) và Mỹ, khiến các tài sản rủi ro không thể hấp dẫn các nhà
đầu tư.



Chứng khoán châu Á tiếp tục kéo dài đà mất điểm, với chỉ số MSCI (trừ Nhật
Bản) giảm 0,5%, sau khi giảm 3,1% trong tuần trước, tuần mất điểm mạnh nhất kể
từ tháng Hai.



Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 14,72 điểm, hay 0,69%, xuống 2.130,48 điểm.
Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 36,34 điểm, hay 0,42%, xuống 8.538,57 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 70,63 điểm, hay 0,32%, xuống 21.804,75 điểm.



Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 3,48 điểm, hay 0,12%, xuống
2.816,69 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 1,5 điểm, xuống 4.472 điểm.
Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.



Nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đang treo lơ lửng, tương lai của Hy Lạp được đặt vào
cuộc họp của các nước Eurozone sẽ diễn ra vào ngày 21/7 và phản ứng yếu ớt của
thị trường đối với kết quả cuộc sát hạch hệ thống ngân hàng châu Âu là những
điều khiến các nhà đầu tư tiếp tục tăng đầu tư vào tiền và các tài sản an toàn
khác trong tuần này, trong khi quay lưng lại với chứng khoán.



Mặc dù các thị trường châu Á vẫn thể hiện sự vững vàng trước cuộc họp sắp tới
của Eurozone, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ và khả năng khủng hoảng nợ lan tới những nền
kinh tế lớn hơn như Italy và Tây Ban Nha có thể làm cho dòng vốn bị rút ra ồ ạt
khỏi các thị trường mới nổi.



Tại Mỹ, Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về
kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng trần nợ công nhằm tránh cho nền
kinh tế khỏi nguy cơ vỡ nợ, điều chưa từng xảy ra. Các nhà đầu tư đang mất dần
niềm tin khi thời hạn nâng trần nợ công của Mỹ vào ngày 2/8 đang cận kề và ngay
cả khi hy vọng một thỏa thuận sẽ đạt được vào phút chót, họ vẫn hết sức hoang
mang.



Trong khi đó, kết quả cuộc sát hạch đối với các ngân hàng châu Âu dù tốt hơn
mong đợi cũng không đủ sức xua tan sự ảm đạm trên các thị trường. Chỉ 8 trong số
91 ngân hàng không vượt qua được cuộc sát hạch, trong khi con số dự tính lên đến
15 ngân hàng.



Các ngân hàng thiếu tổng số vốn là 2,5 tỷ euro, trong khi nếu tiến hành một
cuộc sát hạch khắt khe hơn, các ngân hàng châu Âu sẽ thiếu tới 80 tỷ euro vốn.
Những người chỉ trích cho rằng cuộc sát hạch đã không tính tới khả năng vỡ nợ
công của những nước như Hy Lạp, Italy hay Tây Ban Nha.



Mối quan tâm của thị trường hiện nay là hội nghị thượng đỉnh của Eurozone sắp
tới bàn về việc gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp./.





Theo vietnamplus.vn