Chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/9 cũng bật tăng 'tưng
bừng' với cả ba chỉ số chính trong khu vực đều xanh ngắt.



Nguyên nhân của diễn biến tích cực này là quyết định của Ngân hàng trung
ương châu Âu (ECB) tại cuộc họp vào cuối ngày hôm qua 6/9.



Theo đó, thể chế tài
chính này chính thức công bố một chương trình mua lại trái phiếu 'không giới
hạn' của các quốc gia đang nợ nần chồng chất ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu
(Eurozone), nhằm giúp làm dịu bớt cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực.



Tâm lý phấn chấn còn được thổi bùng thêm nhờ số liệu tích cực từ thị
trường việc làm của khu vực tư nhân ở Mỹ trong tháng Tám. Theo thống kê, số việc
làm mới được tạo ra là 201.000 so với 173.000 việc làm trong tháng Bảy. Con số
này cũng cao hơn dự báo của giới chuyên gia chỉ là 143.000, và tăng mạnh so với
tháng Bảy.



Ngoài ra, một số liệu khác từ Viện Quản lý nguồn cung công bố ngày 6/9
cũng tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Đó là chỉ số quản lý sức mua tháng
Tám của khu vực dịch vụ Mỹ cũng tăng lên mức 53,7 so với mức 52,6 của tháng Bảy.



Đóng cửa phiên 7/9, hầu như tất cả các sàn chủ chốt trong khu vực đều đồng
loạt tăng điểm, trong đó Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 2,20% (191,08 điểm)
lên 8.871,65 điểm; KOSPI của Hàn Quốc nhích 48,34 điểm (2,57%) lên 1.929,58
điểm; S&P/ASX200 của Australia tăng 0,30% (12,9 điểm) lên 4.325,8 điểm; Weighted
của Đài Loan tiến thêm 1,34% (98,19 điểm) lên 7.424,91 điểm.



Hai thị trường Hong Kong và Trung Quốc cũng tăng mạnh, với Hang Seng của
Hong Kong bật thêm tới 592,86 điểm (3,09%) lên 19.802,16 điểm, trong khi
Shanghai Composite của Thượng Hải tiến thêm 75,84 điểm (3,70%) lên 2.127,76
điểm.



Giới đầu tư hiện đang đổ dồn mọi chú ý vào số liệu việc làm trong lĩnh vực
phi nông nghiệp của Mỹ, được công bố vào cuối ngày 7/9, một số liệu quan trọng
khác cho thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.



Theo giới phân tích, quyết định được chờ đợi lâu nay của ECB đã được các
thị trường tiếp nhận tích cực, giải tỏa tâm lý lo ngại và thận trọng của giới
đầu tư - nguyên nhân khiến các thị trường cổ phiếu từ Đông sang Tây ảm đạm thời
gian gần đây.



Đêm trước (6/9) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng tăng vọt, với các mức
tăng ấn tượng, lên các mức cao nhất trong vòng bốn năm qua sau khi thị trường
đón nhận những thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ, cùng tuyên bố của Chủ tịch
ECB, ông Mario Draghi, rằng ngân hàng này sẽ mua lại 'không hạn chế' các trái
phiếu chính phủ ngắn hạn của Khu vực Eurozone, nhằm cứu vãn đồng euro và giảm
bớt gánh nặng chi phí vay mượn của các 'con nợ' trong khu vực.



Dẫn đầu là các cổ phiếu của ngành ngân hàng, với các mức tăng rất mạnh
(Bank of America tăng 5,0%; JPMorgan Chase tăng 4,3%) và các cổ phiếu công nghệ
(Microsoft tăng 3,1%; Google tiến thêm 2,7% và Cisco vọt thêm 4,4%).



Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng 'lao vút,'
với cả ba chỉ số chính của khu vực đều tăng mạnh. FTSE 100 của London tăng 2,11%
lên 5.777,34 điểm; DAX 30 của Đức vọt thêm 2,91% lên 7.167,33 điểm và CAC 40
tăng 3,06% lên 3.509,88 điểm./.






Theo vietnamplus.vn