Phố Wall đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/11 mà không có biến động nào
đáng kể, do giới đầu tư vẫn bị ám ảnh bởi mối lo dai dẳng về 'vách đá tài
chính,' báo hiệu nguy cơ Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu và tăng
thuế vào cuối năm nay.



Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường cổ phiếu ít được hưởng lợi từ các số
liệu kinh tế tích cực mới đây của Trung Quốc.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm không đáng kể 0,23 điểm xuống
mức 12.815,16 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại “nhích” nhẹ 0,15 điểm, tương
đương 0,01%, lên 1.380,00 điểm.



Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite chỉ hạ 0,61 điểm (0,02%), xuống
còn 2.904,26 điểm.



Các chuyên gia phân tích thuộc công ty Charles Schwab & Co. cho biết những lo
ngại ngày càng gia tăng về “vách đá tài chính Mỹ,” có thể khiến nền kinh tế lớn
nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng trì trệ, là nguyên nhân chính làm thị trường
chứng khoán Mỹ giao dịch trong không khí ảm đạm trong ngày 12/11 vừa qua.



Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Hy Lạp và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu
cũng có ảnh hưởng nhất định tới giao dịch trên thị trường. Ngày 12/11, v ới tỷ
lệ 167 phiếu ủng hộ và 128 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua
ngân sách khắc khổ năm 2013, một điều kiện quan trọng để Athens có thể thuyết
phục bộ ba chủ nợ quốc tế giải ngân khoản cứu trợ 31,5 tỷ euro (40 tỷ USD) mà
nước này đang rất cần để giúp nền kinh tế tránh lâm vào tình cảnh phá sản.



Tuy nhiên, hiện có những đồn đoán rằng, dù Hy Lạp đã phê chuẩn gói ngân sách
mới, thì các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận để giải ngân
gói cứu trợ tiếp theo cho quốc gia này.



Những thông tin trên đã làm “lu mờ” các số liệu kinh tế đáng khích lệ mới đây
của Trung Quốc . Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc cho biết sau
khi đạt mức tăng trưởng 7,4% trong quý 3/2012 và là mức thấp nhất trong ba năm
qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt trong
tháng 10/2012, với đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản lượng của các xí nghiệp tăng
trưởng ở mức nhanh nhất trong năm tháng.



Cũng trong tháng này, thặng dư thương mại cũng tăng lên mức cao nhất trong 45
tháng; còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã trượt xuống 1,7%, mức thấp nhất trong
ba năm.



Ngoài ra, việc khối lượng giao dịch thưa thớt của Phố Wall trong đêm qua còn bắt
nguồn bởi thị trường trái phiếu và các cơ quan Chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động
nhân ngày nghỉ lễ Cựu chiến binh.



Cùng ngày, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng
giao dịch trong biên độ hẹp với các mức tăng giảm trái chiều, do sự bất ổn kinh
tế-chính trị trong khu vực, mà đặc biệt là khó khăn hiện tại của Hy Lạp.



Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,04%, xuống 5.767,27 điểm;
chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ 0,35%, đóng cửa ở mức 3.411,65 điểm. Tuy nhiên,
tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX lại tăng nhẹ 0,07%,
lên 7.168,76 điểm.



Sang tới đầu phiên giao dịch ngày 13/11 tại thị trường châu Á, các sàn giao dịch
chứng khoán cũng diễn biến bất nhất, trước tâm lý đan xen của giới đầu tư giữa
một bên là mối lo về “vách đá tài chính” của Mỹ và tình hình bế tắc của cuộc
khủng hoảng nợ công tại châu Âu, còn một bên là sự hứng khởi trước khi Đại hội
Đảng cộng sản Trung Quốc 18 của Trung Quốc chọn ra bộ máy lãnh đạo mới./.





Theo vietnamplus.vn