Ngày 22/11, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Thẻ điểm Quản trị Công ty Việt Nam năm 2012, với việc khảo sát tình hình quản trị của 100 công ty hàng đầu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).



Các thông số trong Báo cáo tiếp tục thúc giục các doanh nghiệp nâng cao hơn
nữa nhận thức về tầm quan trong của các thông lệ quản trị tốt, như chú
trọng đến vấn đề bảo vệ quyền của cổ đông và các bên liên quan, tăng
cường công khai, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm của Hội đồng quản trị
trong giá sát rủi ro.



Giảm sút về quản trị



Trong đánh giá năm 2012, Báo cáo cho thấy không doanh nghiệp nào đạt kết quả đáng hài lòng vì toàn bộ điểm quản trị công ty đều ở dưới mức 60% và điểm bình quân của các doanh nghiệp chỉ đạt 42,5% và giảm 2,2 điểm phần trăm so với năm ngoái.



Trong đó, các báo cáo thẻ điểm quản trị công ty khác ở Châu Á cho các kết quả cao hơn rất nhiều, như Thái Lan đạt 77% năm 2011, Hồng Kông đạt 74% năm 2009 và Philipin đạt 72% năm 2008.



Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các quy định hiện hành của Việt Nam thường không được các công ty thực hiện đầy đủ.



Theo bà Anne Molyneux, Chuyên gia tư vấn Quản trị doanh nghiệp của IFC, năm 2011, tình hình kinh tế Việt Nam có chiều hướng đi xuống, hầu hết các doanh nghiệp rơi vào tình trạng làm ăn kém hiệu quả và nhìn chung các doanh nghiệp đều cố gắng cắt giảm chi phí, bên cạnh đó báo cáo thường niên cũng cung cấp ít thông tin hơn, có thể do tình hình tài chính khó khăn hoặc các công ty muốn hạn chế công bố các kết quả yếu kém này.



“Trên thực tế, hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp đã giảm sút, nhất là các thông tin về Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Thông tin trong các báo cáo của các công ty nhìn chung không đầu đủ và mang nhiều tính hình thức hơn so với trước,” bà Anne nói.



Cụ thể, điểm số đánh giá về tính minh bạch và công bố thông tin của năm 2011 đạt 40,1 điểm và giảm 3,1% so với năm 2010, tương tự quyền của cổ đông đạt 47% và giảm 1,5%, đối xử bình đẳng với cổ đông đạt 57,8% và giảm 3,2%, vai trò của các bên liên quan đạt 22,7% và giảm 6,7%, trách nhiệm của Hội đồng quản trị cũng chỉ đạt 35,9 điểm và giảm 0,2%.



Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) nhận định một vài lý do dẫn đến việc giảm sút điểm số về quản trị công ty: Trong năm 2011, SSC đã tăng cường giám sát việc thực thi và công bố các trường hợp vi phạm bị phát hiện, do đó các thông tin tiêu cực về doanh nghiệp đã công khai hơn nhiều. Hơn thế, các cơ quan quản lý cũng chất vấn doanh nghiệp nhiều hơn về công bố thông tin trong các giao dịch với bên liên quan và báo cáo tài chính.



Năm nay có 25 công ty mới được đưa vào hệ thống đánh giá và có mức điểm đều dưới trung bình, đáng chú ý trong số này có tới 22 công ty là mới niêm yết. Những công ty này còn yếu kém trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm mới về quản trị công ty.



Với các mức điểm trên, IFC cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty, qua đó mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước để phát triển và mở rộng kinh doanh trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay.



Quản trị song hành cùng hiệu quả



Qua Báo cáo khảo sát, các doanh nghiệp có thực tiễn quản trị công ty tốt hơn thì cũng có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn.



Trong 25 công ty có điểm quản trị công ty cao nhất có các chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) cao hơn nhiều so với các công ty có thứ hạng thấp về quản trị công ty.



Chỉ số ROE, ROA của các công ty dẫn đầu về quản trị công ty đạt trên 17,2% và 9,5%, trong khi các công ty đứng hạng cuối về quản trị công ty chỉ đạt các hệ số tương ứng là 1,2% và 1,4%.



Đây là những kết quả có ý nghĩa thống kê, song cũng cho các chỉ số lợi nhuận được cải thiện cũng như kết quả hoạt động kinh doanh, quản lý công ty tốt hơn là những yếu tố khích lệ lớn để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị công ty.



Điểm đáng chú ý, nghiên cứu năm nay đã thực hiện khảo sát tình hình quản trị công ty của nhóm 30 doanh nghiệp trong rổ tính chỉ số VN30. Mặc dù nhóm cổ phiếu này chỉ bằng 10,5% tổng số các công ty niêm yết trên HoSE song vốn hóa thị trường lại chiếm 80% và đạt tới 60% tổng lượng giao dịch của HoSE.



Được biết, các nhóm cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đại diện cho 9 nhóm ngành chính trên thị trường và có mức điểm quản trị công ty trung bình là 43,6% cao hơn 1,5% so với mức bình quân của 70 công ty còn lại. Song mức điểm thấp quản trị công ty thấp nhất của nhóm VN30 là 32%, trong khi mức điểm của nhóm công ty còn lại là 14,7%.



Đánh giá từ nhóm nghiên cứu, từ khảo sát cho thấy sự sụt giảm trong kết quả áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty hiệu quả, bản thân các công ty đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một thị trường đầu tư có chất lượng ở Việt Nam.



Báo cáo thẻ điểm đã được thực hiện ở Việt Nam năm thứ ba, tuy nhiên việc quản trị công ty chỉ được các doanh nghiệp thực hiện theo hướng “từ trên xuống”, đó là dựa vào khung pháp lý và các biện pháp chế tài, trong khi thị trường lại luôn chờ đợi sự tự nhận thức cũng như thực hiện trách nhiệm từ chính các công ty này. Phương thức này trên thực tế đã cho thấy không mang lại nhiều thay đổi từ phía các doanh nghiệp.



Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát thực thi luật định công khai để góp phần tạo chuyển biến trong doanh nghiệp.



Ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực của IFC phụ trách Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam cho biết, “Áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty và đảm bảo trách nhiệm giải trình, minh bạch trong việc ra quyết định sẽ giúp nâng cao khả năng thu hút và giảm chi phí tiếp cận vốn của một doanh nghiệp. Điều này sẽ mang lại cho doanh nghiệp một lợi thế quan trọng trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh gay gắt hiện nay”./.





Theo vietnamplus.vn