Hầu hết các thị trường chứng khoán đều tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch
ngày 11/12, nối gót diễn biến tích cực tại Mỹ và châu Âu trong phiên trước đó,
nhờ những hy vọng vào khả năng Chính phủ Mỹ sẽ ngăn chặn được “vách đá tài
chính,” khi mà chỉ còn gần 3 tuần nữa là các chính sách tăng thu giảm chi sẽ tự
động được áp dụng.



Kết thúc phiên này, tại thị trường Sydney của Australia, chỉ số S&P/ASX200 tăng
18,1 điểm (0,4%), lên 4.576 điểm; còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng nhẹ
7,2 điểm (0,37%), đóng cửa ở mức 1.964,62 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nikkei của
Nhật Bản lại không biến động đáng kể so với phiên trước đó khi chỉ hạ 8,42 điểm,
tương đương 0,4%, xuống 9.525,32 điểm, do những báo cáo mới nhất đã chứng tỏ
rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang đứng bên bờ vực suy thoái.



Tại Trung Quốc, diễn biến tại hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải
và Hong Kong cũng theo hai hướng ngược nhau. Chỉ số Hang Seng tiếp tục tăng
47,22 điểm (0,21%), lên 22.323,94 điểm, nhờ tâm lý hứng khởi của giới đầu tư
trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự kiến sẽ kéo
dài hai ngày từ 11/12, với hy vọng rằng các biện pháp kích thích kinh tế mới sẽ
được triển khai. Trái lại, hoạt động bán tháo chốt lời đã đẩy chỉ số Shanghai
Composite lùi 9,07 điểm (0,44%), xuống còn 2.074,70 điểm.



Đêm trước (ngày 10/12), Phố Wall đã đảo chiều đi lên, đi ngược với diễn biến tẻ
nhạt cuối tuần trước, giữa lúc những hy vọng ngày càng gia tăng về khả năng các
nhà lập pháp nước Mỹ sẽ sớm đạt được các thỏa thuận về ngân sách nhằm ngăn chặn
nguy cơ xảy ra 'vách đá tài chính,' khi các chính sách tăng thuế và giảm chi
tiêu công sẽ tự động được áp dụng vào đầu năm 2013.



Tuy nhiên, đà tăng của các
chỉ số lại bị hạn chế do thị trường còn chịu tác động bởi những diễn biến mới
nhất từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau khi Thủ tướng Italy
Mario Monti tuyên bố sẽ từ chức trong một vài ngày tới, trong khi cựu Thủ tướng
nước này là ông Silvio Berlusconi có thể sẽ trở lại chính trường với khẩu hiệu
'chống các chính sách khắc khổ.'



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 14,75 điểm, tương đương 0,11%,
lên mức 13.169,88 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng 'nhích' nhẹ 0,48 điểm (0,03%), lên
1.418,55 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 8,92 điểm
(0,30%), đóng cửa ở mức 2.986,96 điểm.



Các cuộc đàm phán liên quan tới “vách đá tài chính” của Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra
nhưng thông tin về tiến trình này còn khá ít, do đó sức chi phối của nó tới thị
trường cổ phiếu trong phiên giao dịch 11/12 gần như không đáng kể. Tuy nhiên, sự
đi lên của một số mã cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là HP với mức tăng 2,6%, đã
giúp Phố Wall duy trì “sắc xanh” trong suốt phiên này. Đáng chú ý là hãng đồ ăn
nhanh McDonald's vừa công bố doanh thu tháng 11/2012 tăng mạnh hơn dự báo sau
khi đã sụt giảm mạnh trong tháng 10, qua đó đẩy cổ phiếu của McDonald's tăng
1,1% lên 89,41 USD/cổ phiếu trong phiên này.



Cùng ngày, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, dư âm về báo cáo việc làm đầy lạc quan
của Mỹ hồi cuối tuần trước cũng như những hy vọng dù còn mong manh về sự đồng
thuận của hai chính đảng Mỹ trong vấn đề ngân sách của nước này đã giúp các thị
trường chứng khoán châu Âu đồng loạt lên điểm, bất chấp tình trạng bất ổn chính
trị tại Italy. Kết thúc phiên này, tại London chỉ số FTSE 100 tăng 0,12%,
lên 5.921,63 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng 0,18%, lên 3.612,10 điểm.



Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30
cũng tiến thêm 0,17%, đóng cửa ở mức 7.530,92 điểm. Tuy nhiên, riêng tại thị
trường Milan của Italy, chỉ số FTSE Mib lại mất 2,2%, xuống còn 15.354 điểm./.





Theo vietnamplus.vn