Mặc dù thiếu định hướng từ Phố Wall nhưng trong phiên giao dịch ngày 15/1, chỉ
số Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn leo lên mức cao nhất trong vòng 32 tháng qua, với
hy vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ sớm mở rộng chương trình nới
lỏng tiền tệ, qua đó giúp đồng yen đảo chiều tăng giá.



Song trái với diễn biến tại thị trường cổ phiếu Nhật Bản, hầu hết các sàn giao
dịch chứng khoán châu Á lại đổi 'sắc đỏ' sau phiên tăng điểm vào hôm trước, do
hoạt động bán tháo chốt lời của giới đầu tư.



Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 77,51 điểm, tương đương
0,72%, đóng cửa ở mức 10.879,08 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 30/4/2010. Tuy
nhiên, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi lại giảm 23,3 điểm
(1,16%), xuống 1.983,74 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng hạ không đáng
kể so với phiên trước, chỉ mất 3,1 điểm, xuống còn 4.716,6 điểm.



Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải
và Hong Kong lại biến động ngược chiều nhau. Chỉ số Shanghai Composite của
Thượng Hải tiếp tục tăng cao, chủ yếu là nhờ cổ phiếu của các công ty hoạt động
trong lĩnh vực môi trường tăng giá, bởi họ hy vọng rằng những nỗ lực cải thiện
tình trạng ô nhiễm không khí của Bắc Kinh sẽ giúp cổ phiếu của các công ty này
được hưởng lợi.



Chốt phiên, chỉ số Shanghai Composite tăng 13,94 điểm (0,6%), lên 2.325,68 điểm-
mức cao nhất kể từ ngày 1/6/2012. Tuy nhiên, hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra
ồ ạt đã đẩy chỉ số Hang Sheng hạ 31,75 điểm (0,14%), xuống 23.381,15 điểm.



Sự suy yếu của đồng yên trong thời gian gần đây đã giúp hàng hóa xuất khẩu của
nước này có thêm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, song mới đây, Bộ
trưởng Kinh tế Nhật Bản, Akira Amari, đã cảnh báo rằng xu hướng giảm mạnh của
đồng nội tệ nước này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới người tiêu dùng trong nước khi
hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Điều này đã giúp đồng yên đảo chiều tăng
giá trong phiên giao dịch này, đồng thời kéo chỉ số Nikkei lên điểm mạnh, giữa
lúc những hy vọng vào việc BoJ mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ đang ngày
một gia tăng.



Thêm vào đó, giới đầu tư cũng đang hứng khởi trước tuyên bố của Cục Dự trữ liên
bang Mỹ (FED) về việc tiếp tục chương trình nới lỏng có định lượng mới nhất
(QE3). Hiện các nhà kinh doanh đang chờ đợi báo cáo về tăng trưởng kinh tế Trung
Quốc trong quý IV/2012, với hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang
trên đà phục hồi sau vài quý suy giảm liên tiếp.



Đêm trước (14/1), ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán
Phố Wall biến động bất nhất. Giữa lúc chỉ số Dow Jones tiếp tục đi lên, nhờ
những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc- nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì chỉ
số S&P 500 và Nasdaq đồng loạt mất điểm, do tâm lý ngập ngừng của giới đầu tư
trước khi có thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ bước vào mùa công bố lợi nhuận quý
IV/2012.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 18,89 điểm (0,14%), lên
mức 13.507,32 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại hạ không đáng kể 1,37 điểm,
tương đương 0,09%, lên 1.470,68 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq
Composite giảm 8,13 điểm (0,26%), đóng cửa ở mức 3.117,50 điểm.



Diễn biến của thị trường cố phiếu Mỹ khá buồn tẻ trong phiên giao dịch đầu tuần
mới, do các nhà kinh doanh đang tìm kiếm các thông tin nhằm định hướng đầu tư.
Thậm chí nhiều người vẫn chọn cách đứng ngoài thị trường để chờ đợi các báo cáo
tình hình lợi nhuận doanh nghiệp trong quý IV/2012.



Giới phân tích nhận định rằng trong quý cuối cùng năm ngoái, khu vực doanh
nghiệp viễn thông và hàng tiêu dùng sẽ có sự cải thiện rõ rệt về doanh thu cũng
như lợi nhuận so với quý trước đó, do môi trường kinh tế đã có nhiều khởi sắc,
trong khi khối công nghiệp có thể sẽ đi ngang.



Cũng trong ngày này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, diễn biến các sàn giao dịch
chứng khoán cũng tăng giảm trái chiều. Chỉ số FTSEurofirst 300 của khu vực châu
Âu giảm 0,3%, xuống 1.159,76 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 2/1/2013, sau khi
leo lên mức cao nhất trong vòng 22 tháng qua vào tháng trước đó.



Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh cũng hạ 0,22%, xuống 6.107,86 điểm. Trong
khi đó, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức lại lần lượt ghi thêm 0,06% và
0,18%, đóng cửa ở mức 3.708,25 điểm và 7.729,52 điểm./.





Theo vietnamplus.vn