Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày
21/1, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ tưởng niệm mục sư Martin Luther
King Jr. Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán châu Âu vẫn giao dịch với sắc
xanh, thậm chí chỉ số FTSEurofirst 300 gồm các cổ phiếu hàng đầu của châu Âu vọt
tăng lên mức gần cao nhất trong vòng hai năm qua, nhờ hoạt động mua vào cổ phiếu
thuộc các lĩnh vực vốn không được đánh giá cao, cũng như lòng tin vào triển vọng
kinh tế sáng sủa của Lục địa già.



Chốt phiên này, tại Lon don, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,43% lên 6.180,98
điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cũng ghi thêm 0,57%, lên mức 3.763,03 điểm. Trong
khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX tiến thêm
0,61%, đóng cửa ở mức 7.748,86 điểm.



Sang tới phiên giao dịch ngày 22/1 tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán
lại biến động bất nhất. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mở đầu phiên với mức
tăng, trước khi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ngân hàng trung ương
Nhật Bản (BoJ) kết thúc, với hy vọng rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới sẽ
được triển khai nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.



Đầu phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 10,27 điểm (0,10%), lên 10.758,01 điểm.



Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải
và Hong Kong cũng di chuyển ngược chiều nhau. Chỉ số Shanghai Composite quay đầu
giảm 8,21 điểm (0,35%), xuống 2.320,01 điểm, do hoạt động bán tháo chốt lời của
giới đầu tư diễn ra ồ ạt.



Một vài số liệu kinh tế tích cực mới đây của Trung Quốc đã khiến nhiều người lạc
quan hơn vào khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, qua đó hạn
chế đà giảm của thị trường cổ phiếu.



Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng lại gần như đi ngang trong đầu phiên giao dịch này,
chỉ tăng nhẹ 5,47 điểm lên 23.596,38 điểm, khi thị trường thiếu định hướng từ
Phố Wall và giới đầu tư đang thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của
BoJ./.





Theo vietnamplus.vn