Trái với diễn biến ảm đạm tại phiên trước, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều đi lên
trong phiên giao dịch ngày 26/2, chủ yếu là nhờ báo cáo tích cực về lòng tin
tiêu dùng và thị trường nhà ở tại nước này.



Chứng khoán đi lên bất chấp những nghi ngại của giới
đầu tư xung quanh cuộc bầu cử tại Italy, nguy cơ dẫn tới tình trạng bất ổn chính
trị và kinh tế tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu.



Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 115,96 điểm, tương đương
0,84%, lên mức 13.900,13 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 9,09
điểm (0,61%), lên 1.496,94 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tiến thêm
13,40 (0,43%), lên 3.129,65 điểm.



Chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 2/2013 đã tăng lên 69,6, so
với mức tương ứng 58,4 của tháng Một, vượt mức dự báo của giới phân tích là 62.
Thông tin này ngay lập tức đã giúp vực dậy đà tăng của các chỉ số chứng khoán
Phố Wall.



Ngoài ra, thị trường cổ phiếu còn được hỗ trợ tích cực từ báo cáo lạc quan
từ Bộ Thương mại Mỹ rằng doanh số bán nhà mới trong tháng 1/2013 đạt 437.000
căn, tăng tới 15,6% so với mức tương ứng 378.000 căn của tháng trước đó và tăng
28,9% so với cùng kỳ năm 2012.



Bên cạnh đó, tâm lý của giới đầu tư còn được trấn an hơn sau phiên điều
trần trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Ben Bernanke, khi
ông tái khẳng định rằng chương trình kích thích kinh tế có giá trị lớn mà Fed
đang triển khai sẽ vẫn được tiếp tục cho tới khi tình hình kinh tế Mỹ được cải
thiện.



Tuyên bố của ông Bernanke đã xóa nhòa mọi lời đồn đoán trước đó về khả
năng Fed sẽ phải làm chậm, thậm chí là dừng hẳn các chương trình nới lỏng có
định lượng (QE), sau khi thể chế tài chính này công bố biên bản cuộc họp chính
sách hồi tháng 1/2013.



Tuy nhiên, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các sàn giao dịch chứng
khoán châu Âu lại quay đầu mất điểm trong phiên 26/2 này sau khi diễn ra cuộc
bầu cử gây nhiều tranh cãi tại Italy, qua đó làm dấy lên những hoài nghi về
triển vọng phục hồi kinh tế của Eurozone và thúc đẩy hoạt động bán tháo mạnh mẽ.



Kết thúc phiên này, chỉ số EuroSTOXX 50 của Eurozone giảm 3,1%, xuống
2.570,52 điểm- mức thấp nhất kể từ ngày 28/11/2012. Tại London, chỉ số FTSE 100
của Anh giảm 1,34%, xuống 6.270,44 điểm. Trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp hạ
2,67%, xuống còn 3.621,92 điểm, còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của
Đức, chỉ số DAX 30 cũng mất 2,27%, chốt ở mức 7.597,11 điểm.



Sang tới phiên giao dịch ngày 27/2 tại thị trường châu Á, các thị trường
chứng khoán đã thoát khỏi sự chi phối của cuộc bầu cử tại Italy để lấy lại xu
hướng tăng điểm.



Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 19,75 điểm (0,17%),
lên 11.418,56 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và
Hang Seng của hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong
cũng lần lượt tăng 14 điểm (0,61%) và 127,02 điểm (0,56%), lên 2.307,34 điểm và
22.646,71 điểm./.






Theo vietnamplus.vn