Hầu hết các thị trường chứng
khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 4/3, sau khi các nghị sỹ Mỹ đã
không ngăn chặn được việc cắt giảm tự động 85 tỷ USD ngân sách liên bang, còn
Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp mới nhằm kìm hãm đà tăng giá bất động
sản, trong khi thị trường Nhật Bản phục hồi nhờ đồng yen yếu trước khả năng Ngân
hàng Trung ương nước này (BoJ) nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.



Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,7%
xuống mức thấp trong chín tuần.



Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 13,34 điểm, hay 0,66%, xuống 2.013,15 điểm. Chỉ
số weighted của Đài Loan giảm 97,29 điểm, hay 1,22%, xuống 7.867,34 điểm.



Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 75,6 điểm, hay 1,49%, xuống 5.010,5 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 342,41 điểm, hay 1,5%, xuống 22.537,81 điểm.




Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 86,1 điểm, hay 3,65%, hay 2.273,4
điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 45,91 điểm, hay 0,4%, lên 11.652,29
điểm.



Không như hy vọng rằng các nghị sỹ Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận vào phút chót, các
cuộc thương lượng trong ngày 28/2 đã thất bại, khiến việc cắt giảm mạnh ngân
sách liên bang bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/3.



Hầu hết các nhà kinh tế cảnh báo điều này sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và
tăng trưởng kinh tế giảm sút.



Chính phủ Mỹ cho rằng khi người dân cảm nhận được tác động của việc cắt giảm chi
tiêu, đảng Cộng hòa có thể sẽ nhượng bộ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa dường như chưa
sẵn sàng hành động, khi lãnh đạo của đảng này tại Thượng viện Mitch McConnell
nói đã đến lúc người Mỹ phải 'thắt lưng buộc bụng.'



Tuy nhiên, dù thiếu tiến triển tại Washington, các nhà đầu tư vẫn tin rằng một
thỏa thuận cuối cùng cũng sẽ đạt được.



Tại Trung Quốc, chính phủ nước này có thể sẽ yêu cầu tăng lượng tiền mặt tối
thiểu phải thanh toán và tăng lãi suất cho vay đối với người mua căn nhà thứ hai
ở các thành phố mà giá đang tăng quá nhanh nhằm kiềm chế đà tăng này.



Những lo ngại về động thái này cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế không
đồng đều trên toàn cầu đã ảnh hưởng tới lòng tin của nhà đầu tư, dẫn tới hoạt
động bán ra tại thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục cũng như Hong Kong, từ
đó kéo chứng khoán khu vực giảm mạnh.



Số liệu mới công bố cho thấy lĩnh vực dịch vụ, vốn đang trở nên quan trọng hơn
đối với kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng ở mức chậm nhất trong năm tháng vào
tháng Hai, trong khi tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo cũng ở mức thấp nhiều
tháng.



Những số liệu này củng cố nhận định rằng đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai
thế giới vẫn yếu.



Trong khi đó, ông Haruhiko Kuroda, người vừa được Thủ tướng Nhật Bản chỉ định
giữ chức Thống đốc mới của BoJ, ngày 4/3 đã cam kết làm bất cứ những gì có thể
để đẩy lùi giảm phát.



Ông nói nếu chính thức trở thành Thống đốc BoJ sau khi Quốc hội phê chuẩn, ông
sẽ coi mục tiêu lạm phát 2% mà ngân hàng này mới đưa ra gần đây là nhiệm vụ quan
trọng nhất. Ông cho rằng chương trình mua tài sản hiện nay với quy mô 101.000
tỷ yen là không đủ.



Các nhà đầu tư chào đón sự thay đổi người lãnh đạo của BoJ, khi nhân vật mới là
người ủng hộ việc tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ.



Ngoài ra cũng có những yếu tố có tác động tích cực tới thị trường như lòng tin
tiêu dùng và hoạt động chế tạo tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh, lĩnh vực chế tạo của
Hàn Quốc trong tháng Hai tăng mạnh nhất trong chín tháng và sức ép giá cả tại
Australia đã giảm bớt./.





Theo vietnamplus.vn