Trái với diễn biến ảm đạm của phiên trước do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh mẽ, hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán châu Á đều chuyển 'sắc xanh' trong phiên giao dịch ngày 5/3.



Đó là nhờ xu hướng lên điểm của chứng khoán Mỹ, cũng như tâm lý hưng phấn của giới đầu tư khi phiên họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã chính thức khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.



Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 31,16 điểm, tương đương 0,27%, lên 11.638,45 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia và chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng lần lượt tăng 64,9 điểm (1,29%) và 3,46 điểm (0,17%), lên 5.075,4 điểm và 2.016,61 điểm.



Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Hong Kong và Thượng Hải cũng đua nhau lên điểm, khi chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 22,69 điểm (0,1%) và 52,91 điểm (2,33%), lên mức 22.560,50 điểm và 2.326,31 điểm.



Ngoài việc có được động lực lên điểm từ sự khởi sắc của Phố Wall trong phiên trước, chứng khoán châu Á còn được hỗ trợ bởi tâm lý hứng khởi của giới kinh doanh khi kỳ họp quốc hội Trung Quốc khóa 12 chính thức khai mạc, với việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2013 là 7,5% và mục tiêu lạm phát là 3,5%. Dự kiến, một số báo cáo kinh tế quan trọng của Bắc Kinh cũng sẽ được công bố trong những phiên họp tới.



Đêm trước (4/3), chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần này, nối gót đà tăng điểm của phiên cuối tuần. Thậm chí, chỉ số Dow Jones còn xác lập mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, bất chấp những tác động tiêu cực từ chương trình cắt giảm chi tiêu công mà Chính phủ Mỹ mới áp dụng từ ngày 1/3/2013.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 38,16 điểm, tương đương 0,27%, đóng cửa ở mức 14.127,82 điểm.



Đây là mức đóng cửa cao nhất của chỉ số này trong vòng 5 năm qua và chỉ kém 40 điểm so với mức cao kỷ lục ghi nhận vào ngày 9/10/2007.



Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng tăng 7 điểm (0,46%) lên 1.525,20 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 12,29 điểm (0,39%), lên 3.182,03 điểm.



Mặc dù kế hoạch cắt giảm chi tiêu của Mỹ đã tự động có hiệu lực từ đầu tháng 3 này, gây hoang mang cho thị trường toàn cầu trong vài phiên giao dịch trước đó, song tuyên bố của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc sẽ tiếp tục duy trì các chương trình nới lỏng có định lượng (QE) tới khi diễn biến kinh tế Mỹ được cải thiện đáng kể, đã góp phần trấn an tâm lý của giới đầu tư.



Đáng chú ý là trong phiên này, giá cổ phiếu của một loạt các tập đoàn bán lẻ đều bật tăng mạnh mẽ, trong đó cổ phiếu của Walmart, Home Depot và Target lần lượt tăng 1,9% và 1,8% và 3,6%.



Tuy nhiên, cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu lại đua nhau mất điểm, do các báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng của một số doanh nghiệp lớn, cũng như những lo ngại không dứt về tình hình bất ổn chính trị tại Italy.



Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,52%, xuống 6.345,63 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ nhẹ 0,27%, đóng cửa ở mức 3.709,76 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng mất 0,21%, xuống còn 7.691,68 điểm./.







Theo vietnamplus.vn