Tiếp nối đà đi lên trên thị trường Phố Wall đêm trước, với chỉ số Dow Jones lập
đỉnh cao mới trong phiên thứ năm liên tiếp, chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao
dịch ngày 12/3 cũng bao phủ một màu xanh.



Cả ba chỉ số chính của khu vực đều tăng điểm ngay từ những phút giao dịch đầu
tiên, trong đó Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,18% (sức tăng của chỉ số
này có phần bị chặn lại bởi những lo ngại liên quan đến tình hình kinh tế trong
nước); Hang Seng của Hong Kong cũng nhích thêm 0,18% và Nikkei 225 của Nhật Bản
tăng 0,68%.



Các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn chưa hết bị ám ảnh bởi những số liệu kinh tế
không mấy khả quan được công bố trong phiên trước, trong đó lạm phát tại nền
kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng Hai vừa qua đã tăng mạnh, lên mức cao
nhất trong 10 tháng qua (3,2%), trong khi doanh thu bán lẻ và sản lượng công
nghiệp tăng trưởng thấp.



Đêm trước (11/3) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall có phiên giao dịch thành công
thứ năm liên tiếp với chỉ số chính Dow Jones tiếp tục lập mức đỉnh cao nhất
phiên thứ năm liên tiếp, trong bối cảnh thị trường việc làm Mỹ được cải thiện rõ
rệt trong tháng Hai vừa qua. Lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 236.000
việc làm trong tháng trước, cao hơn so với mức dự báo 160.000 và tỷ lệ thất
nghiệp giảm từ 7,9% xuống 7,7%.



Đóng cửa phiên 11/3, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi điểm, trong đó
Dow Jones Industrial Average tăng 50,22 điểm (0,35%) lên 14.447,29 điểm; S&P 500
tiến thêm 5,04 điểm (0,32%) lên 1.556,22 điểm (dù vậy vẫn còn kém 9 điểm so với
mức đỉnh cao nhất mọi thời đại của chỉ số này, được lập vào ngày 9/10/2007);
Nasdaq Composite thêm 8,50 điểm (0,26%) lên 3.252,87 điểm.



Cùng ngày tại châu Âu, chứng khoán khu vực biến động trái chiều, chủ yếu do
bị tác động bởi những số liệu kinh tế trái chiều từ hai nền kinh tế lớn nhất thế
giới là Mỹ và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, bức tranh kinh tế khá tối màu, với lạm
phát tháng Hai vừa qua tăng cao, lĩnh vực bán lẻ và hoạt động công nghiệp đều
tăng trưởng thấp hơn dự kiến. Còn tại Mỹ, bức tranh kinh tế lại sáng sủa hơn khi
tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh hơn dự kiến.



Ngoài ra, số liệu về tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử
dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Italy (suy giảm 0,9% trong quý
4/2012) cũng làm nản lòng giới đầu tư.



Đóng cửa phiên 11/2, ba chỉ số chính của khu vực tăng giảm trái chiều, trong
đó FTSE 100 của Anh tăng 0,31% lên 6.503,63 điểm; DAX 30 của Đức trượt nhẹ 0,03%
xuống 7.984,29 điểm, và CAC 40 của Pháp lùi 0,10% về 3.836,27 điểm./.





Theo vietnamplus.vn