Cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa bùng nổ tại Cộng hòa Síp có nguy cơ làm tăng tình hình bất ổn tài chính kéo dài nhiều năm qua ở khu vực châu Âu đã gây hoang mang các nhà đầu tư, khiến họ đã giảm mua bán hoặc bán bớt tài sản, chấm dứt đợt tăng giá liên tục kéo dài nhất trong 17 năm qua của các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ.



Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch điện tử New York cho biết đến phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 18/3, các chỉ số chứng khoán lớn như Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,43%, 0,55% và 0,35%.



[Eurozone và IMF dành 10 tỷ euro để cứu trợ CH Síp]



Cổ phiếu của các công ty tài chính và ngân hàng bị mất giá nhiều nhất trong ngày 18/3. Ông Quincy Krosby, chiến lược gia về thị trường thuộc công ty Prudential Financial có trụ sở ở bang New Jersey, cho biết các nhà đầu tư tạm ngừng đợt đổ tiền kéo dài vào thị trường chứng khoán là do bị 'lây nhiễm' bởi mối lo lắng về quyết định ngày 16/3 của Liên minh châu Âu (EU) tung 13 tỷ USD liệu có cứu được khu vực ngân hàng đang quá tải của Síp bị vỡ nợ hay không, nhất là khi hàng loạt chỉ số chứng khoán lớn của châu Âu như FTSE 100 của Anh, DAX của Đức, CAC 40 của Pháp đồng loạt bị mất giá.



Ông Guillermo Felices thuộc ngân hành Barclays ở Anh thừa nhận gói cứu trợ của EU dành cho Cộng hòa Síp ít nhiều cũng đã có tác động tiêu cực tới châu lục và Mỹ.



Trong tuần trước, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty lớn đã tăng giá liên tục trong vòng 10 ngày, đạt mốc đỉnh cao chưa từng có 14.539,14 điểm.



Đây là đợt tăng giá kéo dài nhất của loại chỉ số danh giá này kể từ ngày 15/11/1996. Kể từ đầu năm 2013 tới nay, chỉ số Dow Jones đã tăng giá tổng cộng 10,3% trong khi chỉ số Standard & Poor 500 cũng tăng tổng cộng 8,8%./.





Theo vietnamplus.vn