Chứng khoán châu Á biến động trái chiều vào lúc mở cửa phiên giao dịch sáng 16/5
mặc dù đêm trước, chứng khoán Mỹ và châu Âu lại tiếp tục có một phiên tăng điểm
tưng bừng.



Hai chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải và Hang Seng của Hong Kong lần lượt
lùi 0,40% và 0,06% ngay từ những phút giao dịch đầu tiên, một phần do làn sóng
chốt lời sau nhiều phiên tăng điểm trước đó, một phần do nhà đầu tư lo ngại về
những số liệu kinh tế không mấy sáng sủa tại Khu vực Eurozone cũng như tại Trung
Quốc.



Riêng tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 vẫn nối dài đà tăng khi mở cửa tiến thêm
được 0,33% sau khi các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế
giới tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý 1 vừa qua (tăng 0,9% trong khi dự
kiến chỉ là 0,7%). Thông tin tích cực này cũng đã đẩy chứng khoán Nhật Bản đóng
cửa phiên trước (15/5) leo lên mức cao nhất trong hơn 5 năm qua.



Đêm trước (15/5) tại Mỹ, Phố Wall tiếp tục có một phiên tăng điểm với các chỉ số
chính tiếp tục được nâng lên các tầm cao cao kỷ lục mới.



Hậu thuẫn cho thị trường cổ phiếu phiên này là các số liệu kinh tế tích cực,
trong đó có việc chỉ số niềm tin của các nhà thầu xây dựng vào thị trường nhà
xây mới, nhà dành cho gia đình độc thân ở Mỹ đã tăng 3 điểm lên mức 44 điểm
(theo Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ). Theo giới phân tích, điều này cho
thấy thị trường nhà đất của Mỹ đang tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, đà tăng
có phần bị hạn chế do những số liệu kinh tế khá u ám tại Khu vực Eurozone.



Đóng cửa phiên 15/5, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều lên điểm, trong đó Dow
Jones Industrial Average tăng 60,44 điểm (0,40%) lên 15.275,69 điểm - kỷ lục cao
mới phiên thứ hai liên tiếp; S&P 500 tăng 8,44 điểm (0,51%) lên 1.658,78 điểm -
kỷ lục cao mới phiên thứ tư liên tiếp và Nasdaq nhảy 9,01 điểm (0,26%) lên
3.471,62 điểm. Cả ba chỉ số này đều tăng trong phần lớn thời gian của phiên
chiều và kéo dài đà tăng cho tới lúc đóng cửa.



Cùng ngày tại châu Âu, các sàn chứng khoán trong khu vực cũng chủ yếu tăng điểm,
bất chấp số liệu chính thức do Liên minh châu Âu (EU) công bố cho biết kinh tế
toàn Khu vực Eurozone đã suy giảm 0,2% trong quý 1 - quý sụt giảm thứ sáu liên
tiếp trong cuộc suy thoái kéo dài nhất cho tới nay của khu vực này kể từ khi
khối Eurozone được thành lập vào năm 1999.



Chốt phiên này, cả ba chỉ số chính của khu vực đều đồng loạt tăng điểm, trong đó
FTSE 100 của Anh tăng 0,11% lên 6.693,55 điểm; DAX 30 của Đức leo 0,28% lên
8.362,42 điểm - mức cao kỷ lục mới; và CAC 40 của Pháp tăng 0,41% lên 3.982,23
điểm./.






Theo vietnamplus.vn