Tuần qua tiếp tục là một tuần 'thăng hoa' của chứng khoán Mỹ khi các mức đỉnh
cao kỷ lục mới liên tiếp được thiết lập, đặc biệt là trong phiên cuối tuần 17/5,
khi nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào các thông tin tích cực trong số nhiều thông
tin tốt xấu đan xen về nền kinh tế và các báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp
niêm yết.



Trong hai phiên cuối tuần, Phố Wall đón nhận một loạt số liệu kinh tế tốt xấu
đan xen, trong đó lượng người thất nghiệp trong tuần trước tăng cao, song doanh
số bán lẻ, lượng đơn cấp phép xây nhà mới trong tháng Tư đều tăng và lạm phát
giá tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát.



Bên cạnh đó, hai chỉ số tốt hơn kỳ vọng được công bố trong hôm cuối tuần, gồm
niềm tin người tiêu dùng và triển vọng kinh tế, đã khiến Phố Wall bùng nổ trở
lại và đưa hai chỉ số chủ chốt là Dow Jones và S&P 500 lên khép tuần ở mức cao
mọi thời đại mới trong tuần thứ ba liên tiếp.



Trường Đại học Tổng hợp Michigan ngày 17/5 công bố báo cáo cho biết chỉ số
niềm tin người tiêu dùng trong tháng Năm đã 'nhảy' lên mức cao nhất kể từ hồi
tháng 7/2007, trong khi Hãng nghiên cứu Conference Board cùng ngày cũng công bố
báo cáo cho hay chỉ số kinh tế hàng đầu trong tháng Tư của Mỹ cũng đã hồi phục
sau khi sụt giảm trong tháng Ba.



Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới 'vẫn đang tiếp tục được cải
thiện với xu thế đi lên'.



Tính chung cả tuần, cả ba chỉ số cơ bản của Phố Wall đều tăng điểm. Trong đó,
Dow Jones Industrial Average tiến thêm 235,91 điểm (+1,56%) lên chốt tuần ở mức
15.354,40 điểm - mức chốt tuần cao kỷ lục mới tuần thứ ba liên tiếp; Nasdaq
Composite vọt lên 3.498,97 điểm, tăng 62,39 điểm (+1,82%) và S&P 500 ghi thêm
32,42 điểm (1,98%) lên 1.666,12 điểm.



Các nhà phân tích của trang mạng Briefing.com bình luận: 'Đà đi lên của Phố
Wall một lần nữa lại lặp lại trong tuần qua, vượt qua những lo ngại về khả năng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương nước này) có thể sớm chấm dứt
chương trình nới lỏng định lượng (mua trái phiếu) nhằm kích thích tăng trưởng
kinh tế.'



Tuy nhiên, giới đầu tư hiện vẫn đang theo dõi sát sao các chỉ số kinh tế để
dự đoán xem khi nào thì FED sẽ bắt đầu từ bỏ chương trình hỗ trợ tăng trưởng
kinh tế này.



Về thông tin lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, thị trường đón nhận các con số
không mấy khả quan, trong đó tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ và thế giới
Wal-Mart cho hay lợi nhuận quý I năm nay thấp hơn dự kiến và doanh thu tại các
cửa hàng trên toàn nước Mỹ của hãng đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.



Wal-Mart cho rằng một trong những nguyên nhân là do người tiêu dùng bị ảnh
hưởng bởi chính sách tăng thuế của chính phủ. Một số nhà giao dịch và chuyên gia
lại cho rằng hoạt động kinh tế kém khởi sắc có thể sẽ là nguyên cớ để FED tiếp
tục theo đuổi chương trình mua trái phiếu hiện nay để kích nền kinh tế tăng
trưởng vững chắc hơn



Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thị trường phần đông đang bắt đầu chuẩn bị
tinh thần cho việc FED rút khỏi chương trình nới lỏng tiền tệ hiện hành.




Nhà giao dịch Anthony Conroy tại BNY Convergex Group dự đoán rằng có thể FED
sẽ không rút khỏi chương trình này ngay lập tức, do nền kinh tế vẫn chưa thực sự
phục hồi chắc chắn.



Dự kiến Chủ tịch FED Ben Bernanke sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội vào
ngày 22/5, cùng ngày FED cho công bố tài liệu về cuộc họp gần đây nhất của thể
chế tài chính này vào hồi đầu tháng Năm vừa qua.



Cũng trong tuần tới, thị trường sẽ đón nhận số liệu về đơn đặt hàng bền cùng
doanh số bán nhà mới và nhà đang ở. Còn về lợi nhuận doanh nghiệp sẽ có các báo
cáo của hãng bán lẻ Home Depot, Staples và Hewlett-Packard./.





Theo vietnamplus.vn