Chứng khoán châu Á đã đồng loạt phục hồi vào lúc mở cửa phiên cuối tuần 24/5 sau
cơn hoảng loạn bán tháo hôm trước (23/5), với Shanghai Composite của Trung Quốc
tăng 0,25%, Hang Seng của Hong Kong tiến 0,35% và Nikkei 225 của Nhật Bản lấy
lại được 2,65%, bù lại phần nào cho việc bị mất tới 7,3% ngay trong phiên trước.



Đêm trước tại Mỹ, Phố Wall hầu như không bị mấy tác động từ cơn bán tháo cổ
phiếu trên các thị trường châu Á và châu Âu trước đó khi ba chỉ số chính vào lúc
đóng cửa phiên chỉ giảm nhẹ. Tuy vậy, vào đầu phiên, chứng khoán Mỹ cũng đã giảm
mạnh và đã có lúc vào thời điểm giữa phiên chỉ số Dow Jones bị tụt xuống mức
thấp nhất trong ngày, chỉ còn 15.180 điểm.



Đóng cửa phiên 23/5, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó
The Dow Jones Industrial Average lùi 12,67 điểm (0,08%) xuống 15.294,50 điểm;
S&P 500 trượt 4,84 điểm (0,29%) về 1.650,51 điểm trong khi Nasdaq Composite tụt
3,88 điểm (0,11%) xuống 3.459,42 điểm.



Mức giảm trên của Phố Wall phiên hôm qua thấp hơn nhiều so với các mức giảm
'khủng' của Pháp, Anh, Đức, Hong Kong, Trung Quốc (đều mất trên 2%) và đặc biệt
là Nhật Bản (trên 7%). Trấn an các nhà đầu tư Phố Wall phiên này là một số báo
cáo khả quan về nền kinh tế Mỹ, trong đó có doanh số bán nhà mới gia tăng và
lượng người thất nghiệp giảm xuống.



Ngoài ra, nhận định của ông Hugh Johnson thuộc Hugh Johnson Advisors cho rằng
các nhà đầu tư cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không rút lại các
chương trình kích thích kinh tế một cách 'bất ngờ và đồng loạt,' mà có thể sẽ có
lộ trình cắt giảm dần, cũng góp phần giúp trấn an tâm lý các nhà đầu tư.



Cùng ngày tại châu Âu, các sàn chứng khoán trong khu vực phần lớn lao dốc,
với các mức mất điểm mạnh trên 2% sau khi các thị trường châu Á bị dìm trong
'biển lửa' trước đó.



Đẩy chứng khoán châu Âu và châu Á trượt dốc trong phiên này
là do giới đầu tư lo ngại về khả năng FED có thể sớm rút lại chương trình nới
lỏng tiền tệ trong một vài tháng tới (nhân tố đã giúp các thị trường chứng khoán
thế giới đi lên mạnh mẽ trong suốt thời gian qua), cũng như việc nền kinh tế lớn
thứ hai thế giới Trung Quốc chứng kiến hoạt động công nghiệp bị co hẹp lại trong
tháng Năm khi lần đầu tiên sụt xuống dưới ngưỡng 50 trong vòng 7 tháng qua.



Đóng cửa phiên 23/5, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều đỏ điểm, trong đó
FTSE 100 của Anh lùi 2,1% xuống 6.696,79 điểm; DAX 30 của Đức cũng mất 2,1%
xuống 8.351,98 điểm và CAC 40 của Pháp trượt 2,07% xuống 3.967,15 điểm./.





Theo vietnamplus.vn