Bất chấp những phiên mất điểm khá mạnh trong tháng Sáu do những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm giảm bớt quy mô nới lỏng tiền tệ, tháng 6/2013 vẫn là một tháng thành công của thị trường chứng khoán Mỹ.



Tính chung trong sáu tháng đầu năm 2013, chỉ số S&P 500 của Phố Wall đã đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 15 năm qua.



Sự phục hồi của nền kinh tế đã khiến giá các cổ phiếu Mỹ tăng hơn 12% trong vòng 6 tháng qua, với những kỷ lục liên tiếp được thiết lập và phá vỡ.



Bên cạnh đó, sự quay trở lại thị trường của các nhà đầu tư nhỏ cũng góp phần đưa chứng khoán Mỹ vào danh sách các thị trường thành công nhất thế giới trong lúc các thị trường cổ phiếu châu Âu vẫn sụt giảm, còn các thị trường đang nổi mất gần 11% giá trị.



Trong 6 tháng đầu năm 2013, chỉ số S&P 500 tăng 12,6%, mức tăng sáu tháng đầu năm mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 1998.



Chỉ số Dow Jones thậm chí còn tăng mạnh hơn, với mức tăng 13,8%. Đây cũng là mức tăng ngoạn mục nhất trong 14 năm qua của Dow Jones. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 12,7%.



Mặc dù vậy, tháng 6/2013 là một tháng bước ngoặt của thị trường chứng khoán Mỹ khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và chú tâm hơn đến cả lợi nhuận của các doanh nghiệp lẫn chính sách tiền tệ, hơn là chỉ chú ý đến mỗi chính sách tiền tệ.



Tại Nhật Bản, trong tuần tới, các nhà đầu tư ở 'xứ sở hoa anh đào' sẽ rất quan tâm tới kết quả cuộc khảo sát về niềm tin kinh doanh theo quý do ngân hàng trung ương nước này tiến hành cùng với những số liệu về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc để có định hướng giao dịch sau khi chỉ số Nikkei 225 đã chạm đỉnh cao nhất trong một tháng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/6.



Thị trường chứng khoán Tokyo đã trải qua nhiều tuần trồi sụt dữ dội. Có những thời điểm, chỉ số Nikkei 225 giảm sâu tới 20% sau khi đã chinh phục các mức đỉnh cao trong vòng năm năm qua.



Tuy vậy, kết thúc tuần cuối cùng của tháng Sáu, chỉ số Nikkei 225 vẫn tăng 3,38%, tương đương tăng 447,19 điểm, lên 13.677,32 điểm. Trong tuần trước đó, chỉ số này đã tăng tới 4,28% dù có những phiên lao dốc không phanh.



Nhà môi giới Toshikazu Horiuchi thuộc công ty chứng khoán IwaiCosmo nhận định các nhà đầu tư đang lấy lại niềm tin khi có những dấu hiệu cho thấy chỉ số Nikkei đang hồi phục. Tuy nhiên, họ vẫn còn khá lo ngại về tình hình tại Trung Quốc.



Nỗi lo về cuộc khủng hoảng thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã gây sốc lên tất cả các thị trường trong tuần qua khi nhà đầu tư ngày càng quan ngại về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.



Song những quan ngại này đã phần nào được giải tỏa vào ngày cuối tuần 28/6 sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ bơm tiền để hỗ trợ các thể chế tài chính đang khát tiền mặt của nước này.



Tuần tới, nhà đầu tư sẽ dõi theo chặt chẽ số liệu về hoạt động chế tạo của Trung Quốc. Những diễn biến tại Trung Quốc sẽ đặc biệt quan trọng đối với thị trường khi người ta đang ngày càng lo ngại hơn về tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này./.





Theo vietnamplus.vn