Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 1/7, sau khi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 6, thêm dấu hiệu về sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II.



Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,3%, sau khi tăng 2,8%, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2012, song khép lại 6 tháng đầu năm với mức giảm 7,3%, khi nhà đầu tư bị tác động trước đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nay và trạng thái điều chỉnh này có thể chưa sớm kết thúc.



Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 175,18 điểm, hay 1,28%, lên 13.852,5 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 16,04 điểm, hay 0,81%, lên 1.995,24 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 7,59 điểm, hay 0,41%, xuống 1.855,73 điểm.



[Giá dầu giảm do số liệu kinh tế Trung Quốc yếu kém]



Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 92,3 điểm, hay 1,92%, xuống 4.710,3 điểm. Thị trường Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.



Thị trường Nhật Bản vẫn tăng điểm khi các nhà đầu tư được khích lệ bởi thông tin sản xuất công nghiệp mạnh lên và lòng tin kinh doanh được cải thiện.



Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 2% trong tháng 5, trong khi chỉ số giá tiêu dùng đã ngừng giảm lần đầu tiên trong 7 tháng, khi Ngân hàng Trung ương nước này đang thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lui tình trạng giảm phát.



Thêm vào đó, kết quả một cuộc điều tra công bố ngày 1/7 chỉ ra rằng lòng tin của các nhà chế tạo lớn lần đầu tiên ở mức dương trong gần 2 năm.



Trong khi đó, các số liệu mới công bố cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục yếu đi trong tháng 6, khi đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu giảm, và Trung Quốc áp dụng các biện pháp hãm đà tăng trưởng tín dụng, dẫn tới tình trạng thiếu tiền mặt và khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên.



Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc theo khảo sát của HSBC giảm từ 49,2 điểm trong tháng 5 xuống 48,2 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2012.



Trong khi đó, PMI chính thức theo tính toán của cơ quan thống kê của chính phủ là Liên đoàn Hậu cần và mua sắm giảm từ 50,8 điểm xuống 50,1 điểm.



Ở Australia, nơi sự bùng nổ trong lĩnh vực khai khoáng nhờ nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng sắt, đồng và than đang giảm bớt. Tăng trưởng lương và việc đảm bảo việc làm trong ngành này sẽ chịu sức ép, khi các công ty khai mỏ có sự điều chỉnh trước nhu cầu thấp hơn từ Trung Quốc. Một số công ty đã niêm yết của Australia phụ thuộc rất lớn vào đầu tư từ Trung Quốc.



Chứng khoán châu Á bị kéo xuống vì lo ngại rằng Fed có thể bắt đầu rút bớt chương trình kích thích kinh tế vào tháng 9 tới, điều có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và Fed đang phải tìm cách trấn an nhà đầu tư. Trong tuần này, các thị trường chờ số liệu việc làm của Mỹ, khi đây là yếu tố chính mà Fed sẽ xét tới trước khi quyết định bắt đầu rút chương trình kích thích./.





Theo vietnamplus.vn