Thanh khoản trên thị trường giảm sút mạnh mẽ, cho thấy dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường. Theo giới phân tích, tâm lý một bộ phận nhà đầu tư đang bị thử thách trước những diễn biễn của thị trường, song bên cạnh đó một số nhà đầu tư ưa mạo hiểm lại xem đây như là cơ hội để tích lũy.



Dòng tiền “đứng ngoài”




Sau đợt hồi phục thời điểm giữa tháng Bảy, VN-Index cán mốc 506,16 điểm (22/7) và HNX-Index đạt mức 63,25 (15/7), thị trường bắt đầu đảo chiều. Theo đó, thanh khoản trong các phiên cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đã liên tục sụt giảm, khối lượng giao dịch trên sàn HoSE giảm về dưới mức 30 triệu đơn vị/phiên và trên HNX xuống dưới mức 20 triệu đơn vị/phiên.



Ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, “thanh khoản trên thị trường cạn kiệt, điều này cho thấy các nhà đầu tư lớn vẫn đứng ngoài cuộc chơi và làm cho các nhà đầu tư cá nhân càng phải thận trọng hơn.”



Công ty chứng khóa FPTS cũng chỉ ra, vấn đề của giai đoạn này là tính thanh khoản của thị trường thấp, giao dịch lình xình sẽ tạo ra sự thử thách tâm lý nhà đầu tư, khiến họ nản lòng và bán ra các cổ phiếu tốt với mức giá thấp. Song chính vì thế đây chính là thời điểm mà các nhà đầu tư khác lại đang chờ đợi, cơ hội có thể mua trở lại cổ phiếu với mức giá hợp lý.



“Thông thường khi nhà đầu tư bi quan thì rất có thể lại là lúc thị trường tăng điểm trở lại,” FPTS nhận định.



Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cho rằng, nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngang trong tháng Bảy phản ánh kết quả lợi nhuận thực tế và dự báo của thị trường.



Ông Nguyễn Duy Phong, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, các số liệu kinh doanh được công bố đã không gây ngạc nhiên lớn. Trong khi các công ty quen thuộc như VNM, GAS hay các công ty sản xuất săm lốp đều đạt kết quả lợi nhuận khá tích cực thì các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực như ngân hàng và bất động sản đều có kết quả kinh doanh dưới mức trung bình.



Thêm vào đó, trong tháng 7, thời gian giao dịch của cả hai sàn kéo dài thêm 45 phút cho phù hợp với thời gian giao dịch của thị trường thế giới, song yếu tố này cũng chưa kích thích được thanh khoản.



Ông Phong lý giải, hiện tâm lý nhà đầu tư bị tác động bởi những lo ngại lạm phát tăng trở lại trong những tháng tới từ hiệu ứng chi phí đẩy khiến hoạt động đầu tư vào chứng khoán thêm rủi ro. Vì vậy mà nhiều nhà đầu tư đã rút lui và đứng ngoài chờ đợi, điều đã làm thanh khoản giảm mạnh.



Phân hóa trong “nội bộ” blue-chip




Quan sát diễn biến trong các phiên gần đây, mặc dù không thị trường vẫn khá yên ắng, song khối nhà đầu tư nước ngoài cũng đang cho thấy hoạt động mua ròng. Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu blue-chip thị giá cao và nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn vẫn nhúc nhích đi lên.



Theo ông Nguyễn Hữu Việt, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán IRS, dòng tiền chảy mạnh mẽ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các blue-chip thị giá cao. 'Tính lan tỏa thiếu vắng gây ra sự phân hóa ngay trong nhóm những cổ phiếu lớn nhất và có thể đây là ký do khiến thị trường khó có thể duy trì nhịp tăng trưởng trong các phiên vừa qua,' ông Việt nói.



Trong phiên giao dịch 5/8, mặc dù thị trường đi xuống song đã xuất hiện một số cổ phiếu vượt đỉnh ngắn hạn như BMP, NTP, DCL... và phiên 6/8, nhóm cổ phiếu blue-chip cổ phiếu thị giá cao như DPM, FPT, CSM, DRC, KDC, PVD được mua vào khá mạnh, ảnh hưởng tích cực cho đà tăng của thị trường trong phiên này.



Ông Việt đưa ra tín hiệu, “nhóm cổ phiếu vượt đỉnh này hầu hết là có thanh khoản không quá lớn nhưng với mức vốn hóa không nhỏ cũng tạo ra được sự ảnh hưởng tới thị trường chung và tạm thời dấu hiệu cho thấy một nhóm cổ phiếu đang có xu hướng khỏe hơn thị trường. Nhà đầu tư có thể cần lưu ý quan sát sự vận động của nhóm cổ phiếu này, có thể đây là một trong những tín hiệu sớm của thị trường,” ông Việt nhận định.



Đáy mới?



Thống kê từ Công ty Chứng khoán Bản Việt diễn biến của thị trường niêm yết trong các tháng Tám từ năm 2000 đến năm 2012 cho thấy, chỉ số VN-Index có mức tăng trung bình là 3,49%, với xác suất 53,85% và chỉ số HNX-Index có mức tăng 5,24%, với xác suất 50%.



Ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích kỹ thuật-Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, với xác suất trên thì xu hướng chính xác trong tháng 8/2013 là rất khó dự báo và cần quan sát lực cầu tại các mức hỗ trợ.



Theo đánh giá chung từ giới chuyên gia, lực cầu suy yếu và tâm lý nhà đầu tư thận trọng chủ yếu là do thiếu thông tin hỗ trợ mạnh. Hơn thế, các nhà đầu tư bắt đầu có tâm lý e ngại về chỉ số CPI sẽ gia tăng mạnh trong tháng 8/2013 do giá cả ở các mặt hàng thiết yếu đều có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, tâm lý chung của các nhà đầu tư Việt Nam lo ngại chu kỳ tháng “ngâu” và hoạt động giao dịch của khối ngoại ít có biến động mạnh mà chủ yếu là áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn còn rất lớn.



Bên cạnh đó, ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, ông Tuấn cũng cho biết quan điểm của mình: “Dấu hiệu rủi ro trên thị trường chứng khoán là khá rõ nét. Bên cạnh đó các kênh đầu tư khác như vàng đang hạ nhiệt, bất động sản cũng nhúc nhắc ở phân khúc giá rẻ, đây có thể là kênh đầu tư ngắn hạn mà tôi có thể cân nhắc.”



Về xu hướng của thị trường chứng khoán, ông Minh dự báo, “đà tăng kèm thanh khoản thấp là dấu hiệu rủi ro, cho nên nhiều khả năng thị trường sẽ cần tìm mức cân bằng mới và có thể thấp hơn vùng đáy cũ trước đó. Vùng giá đáy, tôi kỳ vọng trong tháng 8 là 466-470 điểm của VN-Index và 58,5 của HNX-Index'./.







Theo vietnamplus.vn