Thoát khỏi xu hướng lình xình vào đầu phiên, hầu hết các thị trường chứng khoán
châu Á đều đảo chiều đi lên trong chiều ngày giao dịch 13/8.



Xu hướng tích cực này có được nhờ sự bật tăng
mạnh của chỉ số chứng khoán Nhật Bản, cũng như tâm lý hứng khởi của giới đầu tư
trước một loạt báo cáo kinh tế sắp công bố của Mỹ, với hy vọng rằng nền kinh tế
số một thế giới sẽ xuất hiện thêm các tín hiệu tích cực.



Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng
347,57 điểm, tương đương 2,57%, lên 13.867 điểm. Sự khởi sắc của chứng khoán
Nhật Bản trong phiên chủ yếu là nhờ đồng yên suy yếu, yếu tố được xem là có lợi
cho các nhà xuất khẩu của 'xứ sở hoa Anh đào.'



Thêm vào đó, thông tin từ nhật báo kinh doanh Nikkei cho hay Thủ tướng Nhật Bản
Shinzo Abe đang xem xét việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế và bù đắp cho những tác động của việc nâng thuế mua hàng,
cũng góp phần giúp chỉ số Nikkei ghi nhận một phiên tăng điểm ấn tượng.



Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc và Sydney của Australia, chỉ số
Kospi và S&P/ASX200 cũng lần lượt ghi thêm 28,20 điểm (1,5%) và 49 điểm (0,96%),
lên 1.913,03 điểm và 5.157,7 điểm.



Không nắm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ
chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đua nhau chuyển 'sắc xanh' sau khi Tổng cục
Hải quan Trung Quốc hồi cuối tuần trước công bố một số thông tin tích cực cho
thấy Trung Quốc đã lấy lại đà tăng trưởng sau không ít các báo cáo đáng thất
vọng trước đó.



Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Bảy vừa qua tăng 9,7%
so với năm trước đó, trong khi tỷ lệ lạm phát giữ ổn định ở mức 2,7%. Khép lại
phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang seng lần lượt tiến thêm 4,88 điểm
(0,23%) và 269,85 điểm (1,21%), đóng cửa ở mức 2.106,16 điểm và 22.541,13 điểm.



Đêm trước (ngày 12/8), thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục trồi sụt bất nhất
trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi trải qua một tuần giao dịch ảm đạm, do
giới đầu tư đang nóng lòng chờ đợi một loạt các số liệu kinh tế Mỹ sẽ được công
bố trong tuần, bao gồm báo cáo về doanh số bán lẻ, nhà ở và sản lượng công
nghiệp.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 5,83 điểm, tương đương 0,04%,
xuống còn 15.419,68 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 1,95 điểm (0,12%), xuống
1.689,47 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tăng 9,84 điểm
(0,27%), đóng cửa ở mức 3.669,95 điểm.



Trong bối cảnh thị trường đang 'khát' những thông tin thúc đẩy hoạt động mua vào
cổ phiếu thì diễn biến lên xuống không đồng nhất của Phố Wall trong phiên giao
dịch đầu tuần không gây nhiều bất ngờ, bởi các nhà đầu tư đang thận trọng chờ
đợi các báo cáo kinh tế, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần. Đáng chú ý là
trong phiên này, giá cổ phiếu của tập đoàn công nghệ máy tính Apple tăng 2,8%
sau khi xuất hiện những đồn đoán rằng mẫu iPhone sắp ra mắt có thể sẽ khiến
doanh số bán của hãng gia tăng đáng kể.



Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán
châu Âu cũng biến động trái chiều, song biên độ giao dịch còn hẹp do thị trường
khan hiếm thông tin kinh tế quan trọng nhằm giúp các nhà kinh doanh định hướng
đầu tư, trong khi hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra khá sôi động.



Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,14%, xuống
6.574,34 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng mất 0,12%,
xuống còn 4.071,68 điểm. Song tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, chỉ số
DAX 30 của Đức lại tăng 0,25%, lên 8.359,25 điểm./.





Theo vietnamplus.vn