Thị
trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một trong những tuần giao dịch tồi tệ nhất kể
từ đầu năm tới nay, với việc các chỉ số chủ chốt bị nhấn chìm bởi các số liệu
kinh tế yếu kém cùng những báo cáo lợi nhuận không được như kỳ vọng của đại gia
bán lẻ Walmart và một số hãng bán lẻ khác.



Các số liệu kinh tế công bố trong tuần cho thấy một bức tranh khá ảm đạm về nền
kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó tốc độ tăng trưởng vẫn 'chậm như rùa,' qua
đó hậu thuẫn cho quan điểm của những người vẫn đang thuyết phục Cục Dự trữ Liên
bang Mỹ (Fed) rằng, hiện còn quá sớm để rút dần chương trình kích thích kinh tế
khổng lồ mà Fed đang tiến hành với 85 tỷ USD mỗi tháng được tung ra để mua trái
phiếu.



Tuy nhiên, các thị trường trái phiếu lại có vẻ khẳng định rằng Fed cần thực sự
sớm chấm dứt chương trình này - lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã
tăng từ mức 2,58% hồi cuối tuần trước nữa lên mức 2,83% vào cuối tuần qua. Lợi
suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng tăng rõ rệt.



Các nhà phân tích cho rằng những lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng cao chính
là một trong những nhân tố đứng đằng sau sự suy giảm của thị trường trong tuần
qua. Chỉ số chủ chốt Dow Jones Industrial Average đã chịu hai phiên sụt giảm
mạnh ở mức ba con số và chốt tuần để mất tổng cộng 344,04 điểm (2,23%), lùi về
15.081,47 điểm.



Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng 'để rơi' mất 35,59 điểm (2,1%) xuống 1.655,83
điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tụt xuống 3.602,78 điểm, tương
đương mất 57,32 điểm (1,57%).



Là một tuần đầy ắp các số liệu kinh tế được công bố, song phần lớn những con số
này không làm hài lòng các nhà đầu tư, trừ số liệu về số người thất nghiệp trong
tuần trước nữa đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng sáu năm qua.



Nhà đầu tư cảm thấy lo âu về chỉ số giá cả tiêu dùng chỉ tăng 0,2% trong tháng
Bảy, trong khi chỉ số giá sản xuất đi ngang, niềm tin tiêu dùng thấp và doanh
thu bán lẻ cũng chỉ tăng nhẹ có 0,2%.



Chuyên gia phân tích cổ phiếu cấp cao Scott Wren thuộc Wells Fargo cho rằng, tất
cả những số liệu này cho thấy nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ chỉ ở mức
vừa phải.



'Bồi' thêm vào những con số ảm đạm trên còn là một loạt báo cáo kết quả kinh
doanh yếu kém của các nhà bán lẻ hàng đầu, qua đó cho thấy sức tiêu dùng toàn
cầu vẫn chưa thể khởi sắc thực sự.



Nhà phân tích Wren cho rằng hiện có rất ít lý do để hy vọng rằng người tiêu dùng
sẽ nhanh chóng thay đổi được xu hướng thắt lưng buộc bụng như hiện nay bởi nhiều
người vẫn còn phải 'đi cày' để trả nợ.



Theo ông, mức tăng trưởng, cũng như môi trường lạm phát thấp như hiện nay có lẽ
sẽ còn kéo dài trong vòng hai hoặc ba năm tới. 'Chúng ta sẽ chưa thể vượt qua
được cơn ác mộng của bong bóng tín dụng khổng lồ trong một hoặc hai năm tới,'
ông Wren nói.



Tuy nhiên, ông Wren vẫn tin tưởng thậm chí nếu có một đợt điều chỉnh trong ngắn
hạn, thị trường chứng khoán vẫn đang trên đường hướng tới một năm thành công
trong năm nay và cả trong năm 2014 tới do tăng trưởng kinh tế vẫn đang tăng lên
tại Mỹ và các nước khác.



Dù vậy, Michael Gayed, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại Pension Partners, nói
rằng lãi suất gia tăng trên thị trường trái phiếu trong tuần qua là một điều
đáng quan ngại và ông đánh giá tâm lý thị trường hiện tại 'có thể đang ở mức
mong manh nhất trong cả năm nay trước nguy cơ đi xuống của nó.'



Theo ông, động thái của Fed hiện đã trở nên khó đoán, đặc biệt nếu lãi suất trên
thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trong những tuần tới./.





Theo vietnamplus.vn