Chứng khoán Mỹ tuần qua chứng kiến chỉ số S&P 500 'thoát hiểm' vào phút chót, chấm dứt chuỗi hai tuần đi xuống liên tiếp trước đó, trong khi các cổ phiếu blue chip của Dow Jones lại hứng chịu 'làn gió ngược', đẩy chỉ số này tiếp tục mất điểm tuần thứ ba liên tiếp.



Báo cáo kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp đã định hình xu hướng ở thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần vừa qua, với các kết quả kém khả quan của một loạt hãng bán lẻ, nhất là chuỗi các cửa hàng thời trang có tên tuổi.



Tuy nhiên, 'cầm trịch' định hướng xu hướng cho thị trường lại là thị trường trái phiếu chính phủ khi lãi suất cao trên thị trường này đã thu hút mạnh dòng tiền, khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền ra khỏi các thị trường đang nổi để đổ tiền vào thị trường trái phiếu Mỹ.



Động thái này đã khiến các thị trường đang nổi cùng với các đồng nội tệ của họ điêu đứng. Bên cạnh đó, 'canh bạc' suy đoán về việc liệu đến bao giờ thi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương nước này) sẽ bắt đầu rút giảm dần chương trình nới lỏng định lượng (QE3), cũng tác động mạnh đến xu hướng của thị trường.



Kể từ tháng Năm vừa qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã phát đi các tín hiệu cho biết Fed có thể sẽ bắt đầu giảm dần quy mô của gói QE3 - chương trình mua lại trái phiếu trị giá 85 tỷ USD hàng tháng - vào cuối năm nay, khi nền kinh tế Mỹ đi vào tăng trưởng ổn định.



Tuy nhiên, từ đó đến nay, các số liệu kinh tế vẫn tiếp tục cho thấy những số liệu tốt xấu đan xen, và văn bản cuộc họp mới nhất của Fed vào hồi cuối tháng Bảy cũng đã cho thấy một sự không chắc chắn của các nhà hoạch định chính sách của FOMC.



Kết thúc tuần, ba chỉ số chính của Phố Wall tăng giảm trái chiều, trong đó S&P 500 tăng 0,5% trong cả tuần, lên 1.663,50 điểm; Dow Jones Industrial Average giảm 0,5% lùi về 15.010,51 điểm và Nasdaq Composite tăng 1,53% lên 3.657,79 điểm.



Như vậy, với kết quả này, Dow Jones tiếp tục có tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp, chủ yếu do kết quả kinh doanh yếu kém của các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ như Coke, Wal-Mart và các ngân hàng lớn. Cổ phiếu của hãng Hewlett-Packard lao dốc tới 15,2% do doanh số bán máy tính cá nhân tiếp tục giảm.



Tuần giao dịch đã khép lại với những đồn đoán của giới phân tích và đầu tư rằng có thể Fed sẽ tiếp tục chương trình QE3, ít nhất là cũng trong một vài tháng tới.



Có những lý do để họ suy đoán như vậy, theo báo cáo của Bộ Thương Mại Mỹ, doanh số bán nhà mới trong hai tháng Sáu và Bảy ở Mỹ đã giảm ngoài dự kiến, kết quả của việc tỷ lệ lãi suất cầm cố được đẩy lên. Các nhà phân tích cho rằng chỉ riêng một điều này thôi cũng đủ để Fed chưa thể có bất kỳ hành động nào để giảm dần quy mô của QE3.



Thêm vào đó, thị trường lao động cũng còn rất bất ổn, báo cáo việc làm trong tháng Bảy tuy cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống song đà tăng trưởng việc làm vẫn chậm và không bằng so với tháng Năm và tháng Sáu.



Tất cả những dữ liệu này cho thấy khó mà Fed có thể ra quyết định về số phận của QE3 tại cuộc họp vào tháng Chín tới.

Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên gia phân tích cho rằng Fed sẽ quyết định về vấn đề này tại cuộc hợp tới sau khi đã để ngỏ khá lâu vấn đề liên quan.



Trong tuần tới, giao dịch trên Phố Wall có thể sẽ không mấy khởi sắc do vẫn đang trong kỳ nghỉ Hè. Thị trường sẽ chờ đợi các báo cáo về lượng đơn đặt hàng bền trong tháng Bảy (công bố ngày 26/8), giá nhà và niềm tin người tiêu dùng (ngày 27/8), cập nhật mới về tăng trưởng GDP dự kiến của quý II (29/8) và thu nhập cá nhân (ngày 30/8)./.





Theo vietnamplus.vn