Nối gót diễn biến tích cực của các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu
trong phiên trước, hầu hết các sàn giao dịch cổ phiếu châu Á cũng đều ngả 'sắc
xanh' trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/8, nhờ một loạt tín hiệu sáng từ
nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như những lo ngại gần đây về nguy cơ xảy ra
một cuộc tấn công quân sự vào Syria đã phần nào 'hạ nhiệt.'



Tuy nhiên, sức tăng
của các chỉ số vẫn còn bị hạn chế do hoạt động bán tháo chốt lời gia tăng sau
phiên lên điểm trước đó.



Kết thúc phiên này, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX200 của Australia
tăng 42,60 điểm (0,84%), lên 5.135 điểm. Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ
số Kospi cũng tiến thêm 18,82 điểm (0,99%), lên 1.926,36 điểm.



Không nằm ngoài
xu hướng trên, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong
Kong cũng đồng loạt khởi sắc, khi giới đầu tư phấn chấn đón nhận các số liệu tốt
ngoài dự kiến từ kinh tế Mỹ và việc Chính phủ Trung Quốc thông qua kế hoạch
thành lập một khu thương mại tự do tại thành phố Thượng Hải hồi cuối tuần trước,
giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại đây.



Khép lại
phiên giao dịch cuối cùng của tháng Tám, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite
lần lượt tăng 26,59 điểm (0,12%) và 1,15 điểm, đóng cửa ở mức 21.731,37 điểm và
2.098,38 điểm.



Tuy nhiên, trái với xu hướng đi lên vào đầu phiên, tại thị trường chứng
khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 lại quay đầu hạ 70,85 điểm (0,53%),
xuống còn 13.388,86 điểm, bất chấp việc Chính phủ nước này vừa công bố một loạt
báo cáo cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang từng bước phục hồi.



Theo
Bộ nội vụ và truyền thông Nhật Bản, tỷ lệ người được tuyển dụng trong tháng Bảy
đạt mức 94%, có nghĩa thị trường cung cấp 94 việc làm cho 100 người lao động,
tăng hơn so với mức tương ứng 92% của tháng Sáu.



Đây là tỷ lệ cao nhất tại Nhật
Bản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu với sự sụp đổ của ngân
hàng đầu tư Lehman Brothers tháng 5/2008.



Trong khi đó, giá tiêu dùng tại Nhật
Bản trong tháng Bảy vừa qua cũng tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức
tăng 0,4% trong tháng Sáu, do giá năng lượng nhập khẩu tăng trong bối cảnh đồng
yên yếu, ghi dấu mức tăng mạnh nhất trong gần 5 năm qua.



Đêm trước (ngày 29/8), Phố Wall tiếp tục đi lên, nhờ một vài số liệu kinh
tế đáng khích lệ của Mỹ, giữa bối cảnh những nghi ngại xung quanh nguy cơ
Washington và các nước đồng minh phương Tây tấn công quân sự vào Syria đã bắt
đầu dịu xuống.



Hạ viện Anh đã bác bỏ kiến nghị của chính phủ nước này kêu gọi
các nghị sĩ ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria, còn Tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama thì khẳng định rằng cho tới nay Nhà Trắng chưa có quyết định mà vẫn
đang cân nhắc các phương án quân sự nhằm cảnh cáo chính quyền của Tổng thống
Syria Bashar al-Assad về việc mà ông gọi là 'sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.'



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 16,44 điểm, tương đương
0,11%, lên 14.840,95 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 3,21 điểm (0,20%), lên
1.638,17 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq tiến 26,95 điểm (0,75%),
đóng cửa ở mức 3.620,30 điểm.



Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tốc độ tăng trưởng của nền
kinh tế lớn nhất thế giới trong quý II/2013 đạt 2,5%, cao hơn mức dự kiến lần
đầu ngày 31/7 là 1,7% và vượt mức dự báo 2,2% của các chuyên gia phân tích.



Tốc
độ tăng GDP này cũng cao gấp hơn hai lần mức tăng trưởng tương ứng 1,1% trong
quý đầu năm 2013.



Bộ Thương mại Mỹ cho hay, chi tiêu của người tiêu dùng và
kim ngạch xuất khẩu tăng là hai nguyên nhân chủ yếu đẩy nhanh đà phục hồi của
nền kinh tế trong quý vừa qua.



Thông tin này đã khiến giới đầu tư trở nên hưng
phấn hơn, nhất là sau khi họ vừa đón nhận số liệu đáng mừng từ Bộ Lao động cho
thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (kết thúc ngày 24/8) đã
giảm 6.000 người, xuống còn 331.000 người.



Mặc dù con số này chỉ mới gần tương
đương với dự báo của giới phân tích là 330.000 người, song vẫn chứng tỏ rằng thị
trường việc làm của Mỹ đang từng bước cải thiện.



Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường
chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lên điểm, khi nỗi lo về cuộc tấn công quân sự
nhằm vào Syria đã phần nào được giải tỏa.



Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngành công
nghệ tại châu Âu đồng loạt được hưởng lợi sau khi Vodafone tuyên bố đã thảo luận
với Verizon về kế hoạch bán lại liên doanh với Hoa Kỳ của tập đoàn này.



Kết thúc
phiên giao dịch ngày 29/8, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,82%, lên
6.483,05 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng 0,65%, lên
3.986,35 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức,
chỉ số DAX 30 cộng thêm 0,45%, đóng cửa ở mức 8.194,55 điểm./.






Theo vietnamplus.vn