Chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 17/9, khi ngày càng
nhiều các nhà đầu tư tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ có thể đứng vững bất chấp
nguy cơ Cục dự trữ Liên bang (Fed) rút lại quy mô của chương trình mua trái
phiếu hiện hành.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 34,95 điểm, tương đương
0,23%, lên 15.529,73 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 7,16 điểm (0,42%), lên
1.704,76 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 27,85 điểm
(0,75%), đóng cửa ở mức 3.745,70 điểm.



Cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) dự
kiến sẽ kết thúc vào ngày 18/9 (giờ địa phương) với một biên bản báo cáo chung
và một cuộc họp báo về kết quả cuộc họp.



Hầu hết các nhà phân tích thị trường đều dự đoán rằng Fed sẽ thu hẹp quy
mô chương trình thu mua trái phiếu, hiện có giá trị lên tới 85 tỷ USD/tháng.



Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin tưởng rằng động thái của Fed sẽ không tác
động xấu tới đà phục hồi của nền kinh tế số một thế giới.



Đáng chú ý là trong phiên này, giá cổ phiếu của hai tập đoàn công nghệ
danh tiếng là Apple và Facebook đã đảo chiều đi lên sau vài phiên giảm gần đây,
qua đó tạo động lực cho chỉ số Nasdaq bật tăng.



Tuy nhiên, trái với diễn biến tích cực tại Phố Wall, ở bên kia bờ Đại Tây
Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu lại quay đầu đi xuống trong
phiên giao dịch 17/9, do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra ồ ạt và tâm lý thận
trọng của giới đầu tư trước khi cuộc họp chính sách của Fed khép lại, phớt lờ
kết quả khảo sát kinh tế mới nhất từ Đức cho hay chỉ số niềm tin của giới đầu tư
trong tháng 9/2013 đã tăng lên mức 49,6 điểm - cao nhất trong vòng ba năm rưỡi
qua.



Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,80%, xuống
6.570,17 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 giảm 0,16%, xuống 4.145,51
điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX
30 cũng mất 0,19%, đóng cửa ở mức 8.596,95 điểm.



Sang tới phiên giao dịch ngày 18/9, các thị trường chứng khoán châu Á lại
quay về 'sắc xanh' sau khi đồng loạt giảm điểm vào hôm trước, theo chân đà tăng
điểm của Phố Wall.



Mở cửa phiên này, tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225
tăng 99,88 điểm (0,7%), lên 14.411,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite và Hang
Seng của hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong
cũng lần lượt ghi thêm 3,59 điểm (0,16%) và 33,27 điểm (0,14%), lên 2.189,15
điểm và 23.213,79 điểm.



Kết quả điều tra của hãng tin Bloomberg đối với 900 nhà đầu tư và chuyên
gia phân tích cho thấy hơn 65% số người được hỏi nhận định việc Fed chính thức
cắt giảm QE sẽ không làm thị trường chứng khoán giảm điểm. Hơn nữa, nhận thức
chung của thị trường là Fed sẽ chỉ cắt giảm quy mô của chương trình mua trái
phiếu từ mức 85 tỷ USD/tháng hiện nay xuống còn 75 tỷ USD/tháng.



Trong khi đó, chương trình mua chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) vẫn
được giữ nguyên ở mức 40 tỷ USD/tháng. Điều này có nghĩa “vòi nước” chỉ bị khóa
lại một chút và “lượng nước” bơm ra vẫn tương đối nhiều.



Với các lý do trên, phần lớn các nhà phân tích cho rằng thị trường không
cần phải quá lo lắng trước quyết định cắt giảm QE của Fed. Thậm chí, theo “tiến
sỹ Ngày Tận thế” Marc Faber, do chứng khoán Mỹ năm nay đã đạt đỉnh, nếu phải
chọn giữa chứng khoán Mỹ và chứng khoán Hong Kong, ông sẽ mua vào chứng khoán
Hong Kong và bán chứng khoán Mỹ./.





Theo vietnamplus.vn