Nối bước xu hướng giảm điểm từ tuần trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi động tuần mới (ngày 30/9) với đà đi xuống, ngay trước khi bước sang tài khóa mới, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong vấn đề chi tiêu ngân sách, đẩy Chính phủ nước này tới sát nguy cơ phải ngừng hoạt động.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 128,57 điểm, xuống còn 15.129,67 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 10,20 điểm, xuống 1.681,55 điểm. Trong khi đo, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 10,12 điểm, đóng cửa ở mức 3.771,48 điểm.



Phố Wall 'đỏ sàn' trong suốt cả phiên giao dịch cuối cùng của tháng Chín. Đà giảm cũng đã có lúc được rút ngắn do một số nhà đầu tư hy vọng rằng lưỡng viện Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận vào phút chót trước khi tài khóa 2013 kết thúc, nhằm ngăn chặn việc một loạt các cơ quan liên bang thuộc Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động do cạn ngân sách.



Tuy nhiên, hy vọng này đã nhanh chóng bị dập tắt, bởi vào sáng 1/10 (theo giờ Việt Nam), với 54 phiếu thuận và 46 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã lần thứ hai bác bỏ dự luật ngân sách khẩn cấp mới vừa được Hạ viện phê chuẩn ít giờ trước đó, trong đó không bao gồm ngân sách cho dự luật cải tổ y tế của chính quyền Barack Obama - thường được gọi là 'Obamacare.'



Trong ngày cuối cùng của tài khóa 2013, các nghiệp đoàn của gần 2,8 triệu nhân viên làm việc cho các bộ ngành thuộc chính phủ liên bang đã đồng loạt lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp Mỹ trong những giờ còn lại ít ỏi của tài khóa 2013 hãy có những nhượng bộ lẫn nhau, nhằm tránh đẩy hàng trăm nghìn thành viên của họ trên khắp nước Mỹ phải nghỉ việc không hưởng lương, bắt đầu từ ngày 1/10.



Lãnh đạo các nghiệp đoàn cho biết nếu Quốc hội Mỹ không nhượng bộ lẫn nhau để thông qua ngân sách tài khóa 2014 trong đêm 30/9, sẽ có khoảng từ 800.000 đến 1 triệu trong tổng số 2,8 triệu nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang sẽ buộc phải nghỉ việc không được hưởng lương do các bộ ngành không có ngân sách để hoạt động và trả lương.



Người phát ngôn của Liên đoàn các nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang (AFGE), tổ chức nghiệp đoàn liên bang lớn nhất, cho biết khoảng một nửa trong tổng số 670.000 thành viên của họ có thể sẽ phải luân phiên nghỉ không lương, nếu Quốc hội không thông qua ngân sách tài khóa 2014.



Tuy nhiên, tính chung cả tháng 9/2013, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận các mức tăng, cụ thể chỉ số Dow Jones tăng 2,2%, chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 3%, còn Nasdaq Composite tiến 5,1%.



Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau hạ điểm, giữa lúc giới đầu tư đang hoang mang vì tình trạng bế tắc ngân sách của Washington và những bất ổn chính trị đang diễn ra tại Italy, khiến cổ phiếu ngành ngân hàng nước này sụt giảm mạnh.



Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 giảm xuống 6.462,22 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ xuống 4.143,44 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 đóng cửa ở mức 8.594,40 điểm.



Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 1/10 tại thị trường châu Á, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong đồng loạt đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh thì chứng khoán Nhật Bản lại đảo chiều khởi sắc sau khi kết quả thăm dò mới đây của Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho thấy chỉ số lòng tin kinh doanh tại đất nước 'Mặt trời mọc' trong quý 3/2013 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng năm năm qua, ngay trước khi Chính phủ có quyết định chính thức về việc tăng thuế tiêu dùng.



Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số Nikkei vẫn bị hạn chế phần nào bởi những quan ngại về tình hình ngân sách tại Mỹ. Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 62,18 điểm (0,43%), lên 14.517,98 điểm./.





Theo vietnamplus.vn