Mặc dù thông tin Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động đã tác động xấu tới tâm lý của
giới đầu tư cổ phiếu trong phiên trước, song hầu hết các thị trường chứng khoán
châu Á vẫn kiên cường đi lên trong ngày giao dịch 2/10, nhờ lòng tin ngày một
gia tăng vào khả năng các nhà lập pháp Mỹ sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận
về ngân sách nhằm chấm dứt tình trạng trên.



Kết thúc phiên này, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng
8,8 điểm (0,17%), lên 5.215,6 điểm. Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số
Kospi cũng 'nhích' không đáng kể 0,60 điểm, lên 1.999,47 điểm.



Tuy nhiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại để tuột mất
đà tăng vào đầu phiên để quay đầu giảm mạnh 314,23 điểm (2,17%), xuống 14.170,49
điểm, giữa bối cảnh đồng yên tiếp tục lên giá so với đồng USD, bất chấp tuyên bố
của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ theo đuổi kế hoạch tăng thuế tiêu dùng nhằm củng cố
lòng tin vào chính sách tài chính của Nhật Bản.



Tại Trung Quốc, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ
lễ quốc khánh thì thị trường Hong Kong đã giao dịch trở lại với mức tăng 124,62
điểm (0,55%), lên 22.984,48 điểm.



Do chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội lưỡng viện Mỹ về dự thảo ngân sách mới, Chính
phủ nước này đã buộc phải tạm ngừng hoạt động ngay khi tài khóa 2014 vừa bắt đầu
vào ngày 1/10, khiến 800.000 đến 1 triệu công chức liên bang phải nghỉ việc
không lương; 1,4 triệu binh lính sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ nhưng có thể phải
lĩnh lương chậm; đáng chú ý là Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ
việc gần như toàn bộ nhân viên.



Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại không phản ứng quá tiêu cực trước thông
tin này, nhất là sau khi Viện quản lý nguồn cung công bố báo cáo cho hay chỉ số
quản lý sức mua - thước đo chính đánh giá hoạt động sản xuất của Mỹ - đã tăng
lên mức 56,2 trong tháng 9/2013, từ mức tương ứng 55,7 của tháng trước đó.



Đêm trước (ngày 1/10), sau hai phiên giảm điểm liên tiếp do những bế tắc về vấn
đề ngân sách, Phố Uôn đã bất ngờ đảo chiều đi lên, nhờ hy vọng rằng việc một số
cơ quan liên bang thuộc Chính phủ Mỹ vừa phải tạm ngừng hoạt động do cạn ngân
sách vào ngày đầu tiên của tài khóa 2014 sẽ không tác động quá nghiêm trọng tới
nền kinh tế lớn nhất thế giới.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 62,03 điểm (0,41%), lên
15.191,70 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 13,45 điểm (0,80%), lên 1.695 điểm.
Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 46,50 điểm (1,23%), đóng
cửa ở mức 3.817,98 điểm.



Ngay sau khi một bộ phận công sở của Chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa lần
đầu tiên trong 17 năm qua vào ngày 1/10, do Nhà Trắng và phe Dân chủ kiểm soát
Thượng viện không đạt được một thỏa hiệp với phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ
viện về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014, thị trường toàn cầu đã đồng
loạt chao đảo.



Tuy nhiên, sau một hồi hoang mang, giới đầu tư đã lấy lại bình tĩnh và không tỏ
ra mấy bi quan về những tác động của việc Chính phủ ngừng hoạt động đối với nền
kinh tế Mỹ. Nhiều người tin tưởng rằng Washington sẽ nhanh chóng tìm ra giải
pháp để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.



Dù vậy, ông Mace Blicksilver, người đứng đầu Marblehead Asset Management, nhận
định rằng sẽ rất khó để thị trường cổ phiếu duy trì đà tăng nếu tình trạng trên
kéo dài trong vài ngày.



Hòa theo xu hướng tích cực tại Phố Wall, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, những hy
vọng về lối thoát dành cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Italy đã giúp
hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu đua nhau khởi sắc trong phiên này,
bất chấp việc Chính phủ Mỹ vừa phải ngừng hoạt động do những chia rẽ trong Quốc
hội về vấn đề chi tiêu ngân sách. Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ
số FTSE 100 gần như không biến động so với phiên trước đó, đứng ở mức 6.460
điểm.



Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,28%, lên 4.196,6 điểm. Còn
tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng ghi thêm
1,10%, lên 8.689,14 điểm. Đáng chú ý là tại thị trường Milan (Italy), chỉ số
FTSE-Mib 'vọt' tăng 3,11%, đóng cửa ở mức 17.977 điểm.



Trước đó, ngày 29/9, Tổng thống Italy, ông Giorgio Napolitano, và Thủ tướng
Enrico Letta đã có cuộc họp nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị
mới ở nước này sau khi Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng
Silvio Berlusconi hôm 28/9 quyết định rút tất cả 5 bộ trưởng của họ khỏi Chính
phủ liên minh vốn chỉ mới được thành lập cách đây 5 tháng./.





Theo vietnamplus.vn