Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm vào đầu phiên giao dịch ngày 4/11, sau sự phục hồi cuối tuần trước trên Phố Wall nhờ số liệu lạc quan về hoạt động chế tạo của Mỹ và Trung Quốc cũng như doanh số bán ôtô của Mỹ đạt mức cao.



Tuy nhiên, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) cũng chỉ tăng nhẹ lên 479,92 điểm, trong một phiên giao dịch khá trầm khi nhà đầu tư thận trọng trước các cuộc họp của các ngân hàng trung ương châu Âu và trước khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố.



Các thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.



Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 6,94 điểm, hay 0,32%, lên 2.156,5 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 72,28 điểm, hay 0,31%, lên 23.322,07 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 13,55 điểm, hay 0,66%, xuống 2.025,87 điểm.



Chứng khoán Mỹ cuối tuần trước chốt phiên ở mức cao hơn sau khi các số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tháng 10 tăng mạnh hơn dự kiến.



Tin về doanh số bán ôtô tháng 10 của ba hãng ôtô lớn nhất của Mỹ là Chrysler, Ford và General Motors tăng ở mức hai con số đã tạo đà đi lên cho Phố Wall. Chỉ số Dow Jones tăng 0,45%, S&P 500 tăng 0,29% và Nasdaq ổn định.



Số liệu được công bố trước đó cho thấy Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc ở mức cao nhất trong 18 tháng. Số liệu cuối tuần đã chỉ ra dấu hiệu tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, khi PMI phi chế tạo chính thức tăng tốc và ghi mức cao nhất trong 14 tháng.



Tại Trung Quốc, sự chú ý đang chuyển sang Hội nghị của Đảng Cộng sản sẽ diễn ra trong tháng này, kỳ vọng về những cải cách kinh tế sẽ được công bố.



Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 7/11 và sẽ chịu sức ép lớn trong việc kích thích kinh tế. Ngân hàng Trung ương Anh cũng họp vào cùng ngày và được nhận định sẽ không có hành động gì bởi đã có một loạt số liệu kinh tế tích cực thời gian gần đây.



Thị trường đang chú ý nhiều hơn đến báo cáo việc làm công bố ngày 8/11 của Mỹ, với dự đoán báo cáo này sẽ cho thấy số việc làm mới được tạo ra trong tháng 10 chỉ là 125.000, do tác động của việc đóng cửa chính phủ vừa qua.



Một báo cáo không khả quan, đặc biệt là nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng, sẽ ngăn trở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ra quyết định dừng chương trình kích thích vào tháng 12 tới.



Cũng nằm trong tâm điểm chú ý là báo cáo về GDP của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 7/11, với mức tăng trưởng hàng năm có thể là 1,9% trong quý 3, giảm so với mức 2,5% trong quý trước./.




Theo vietnamplus.vn