Sau phiên giảm điểm đêm trước trên thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á đã tăng giảm trái chiều trong phiên 4/12.



Sự biến động này diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm cắt giảm quy mô gói nới lỏng định lượng (QE3) trước một loạt tín hiệu tích cực thời gian gần đây từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.



Riêng tại thị trường Tokyo, giá cổ phiếu còn đi xuống vì động thái chốt lời của nhà đầu tư và đồng yen lại mạnh lên so với đồng USD. Đồng yen mạnh lên khiến các nhà xuất khẩu Nhật bị thiệt hại do hàng hóa của họ bị giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận thấp đi.



Đóng cửa phiên 4/12, Nikkei 225 của Nhật giảm mạnh 2,17% (341,72 điểm) xuống 15.407,94 điểm; Hang Seng của Hong Kong mất 0,76% (181,77 điểm) xuống 23.728,70 điểm; KOSPI của Hàn Quốc mất 1,12% xuống 1.986,80 điểm.



Ở chiều tăng có Shanghai Composite của Thượng Hải với mức tăng 1,31% (29,09 điểm) lên 2.251,76 điểm; Các thị trường khác như Sydney và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đều tăng, với các mức tăng lần lượt là 0,34% và 0,30%.



Nhà đầu tư hiện đang dồn quan tâm vào các chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ sắp được Washington công bố, trong đó có chỉ số về thị trường việc làm được công bố vào ngày cuối tuần 6/12.



Đây sẽ là một chỉ dấu quan trọng giúp Fed có cơ sở để điều chỉnh chính sách điều hành tiền tệ, cụ thể là chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD hàng tháng để kích thích nền kinh tế. Nhà đầu tư lo ngại rằng nếu chỉ số này tăng mạnh, Fed có thể sẽ cắt giảm gói QE ngay tại cuộc họp về chính sách trong vòng hai tuần tới.



Ngoài số liệu về thị trường việc làm, từ nay tới cuối tuần, thị trường sẽ còn được đón nhận các số liệu về tăng trưởng GDP quý 3, doanh số bán nhà, cùng văn bản Fed cập nhật về tình hình kinh tế Mỹ và các nền kinh tế trong khu vực.



Đêm trước (3/12) tại Mỹ, Phố Wall mất điểm phiên thứ hai liên tiếp do nhà đầu tư mạnh tay cắt giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu trước những đồn đoán rằng có thể Fed sẽ cắt giảm chương trình kích thích kinh tế hiện hành sớm hơn dự liệu, có thể là vào ngay cuộc họp về chính sách trong hai tuần tới.



Những đồn đoán trên xuất phát từ một loạt số liệu kinh tế hết sức tích cực thời gian gần đây, cùng dự báo khả quan về số liệu việc làm sắp được công bố trong ngày 6/12.



Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều đi xuống, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 94,15 điểm (0,59%) xuống 15.914,62 điểm; S&P 500 mất 5,75 điểm (0,32%) xuống 1.795,15 điểm, Nasdaq Composite lùi 8,06 điểm (0,20%) xuống 4.037,20 điểm.



Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng hầu hết đi xuống với cùng những lý do như ở trên. Các nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sau nhiều phiên tăng ấn tượng trước đó. Ngoài ra, hoạt động công nghiệp sụt giảm tại Pháp và Tây Ban Nha cũng khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.



Đóng cửa phiên 3/12, cả ba chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đều bị mất điểm, trong đó có FTSE 100 của Anh trượt 0,95% xuống 6.532,43 điểm; CAC 40 của Pháp lùi 2,65% về 4.172,44 điểm, trong khi DAX 30 của Đức giảm cũng khá mạnh 1,90% xuống 9.223,40 điểm./.




Theo vietnamplus.vn