Nối tiếp chuỗi ngày 'đỏ sàn' từ đầu tuần, hai trong ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall tiếp tục mất điểm trong phiên giao dịch ngày 4/12, do giới đầu tư đón nhận thêm một số báo cáo tích cực từ kinh tế Mỹ, càng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ rút lại chương trình kích thích kinh tế hiện hành trước năm 2014.



Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 24,85 điểm, tương đương 0,16%, xuống 15.889,77 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 2,34 điểm (0,13%), xuống 1.792,81 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tăng nhẹ 0,80 điểm (0,02%), lên 4.038,01 điểm.



Không khí ảm đạm bao trùm thị trường chứng khoán trong hầu hết cả phiên giao dịch này, sau khi công ty ADP công bố báo cáo cho hay số lượng việc làm mới tạo ra trong khu vực tư nhân của Mỹ trong tháng 11/2013 đã tăng đáng kể, trong khi thâm hụt thương mại giảm và doanh số bán nhà của nước này trong tháng 10 lại tăng so với tháng trước đó. Mặc dù các thông tin này khá tích cực, song nó lại khiến giới đầu tư thêm lo ngại về kịch bản FED sớm rút lại chương trình thu mua trái phiếu, trị giá tới 85 tỷ USD/tháng.



Thêm vào đó, Viện quản lý nguồn cung Mỹ cũng vừa công bố báo cáo cho hay chỉ số hoạt động dịch vụ của nước này trong tháng 11 giảm xuống mức 53,9, thấp hơn mức dự kiến là 55.



Giới đầu tư đang nóng lòng chờ đợi báo cáo về thị trường việc làm Mỹ trong tháng 11/2013, dự kiến sẽ được Bộ Lao động công bố vào ngày 6/12.



Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau 'đổ dốc.' Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã chứng kiến mức sụt giảm mạnh, sau khi Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo phạt sáu ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu vì thao túng lãi suất, gồm lãi suất liên ngân hàng London (Libor), lãi suất liên ngân hàng đồng euro (Euribor) và lãi suất liên ngân hàng Tokyo (Tibor) thường được dùng để định giá hàng trăm tỷ euro tài sản từ tài sản thế chấp tới chứng khoán phái sinh.



Trong số các ngân hàng bị phạt, Ngân hàng Đức Deutsche Bank chịu mức phạt lớn nhất với tổng cộng 725 triệu euro, tiếp đến là ngân hàng Societe Generale của Pháp (446 triệu euro), ngân hàng Royal Bank of Scotland của Vương quốc Anh (391 triệu euro) và nhà môi giới của Vương quốc Anh RP Martin (250.000 euro). Trong khi đó, các ngân hàng Mỹ là Citigroup và JP Morgan Chase chịu mức phạt tương ứng là 80 triệu euro và 70 triệu euro.



Thêm vào đó, đà giảm của các chỉ số chứng khoán còn được đè nặng thêm bởi báo cáo đáng thất vọng về hoạt động bán lẻ, lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).



Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,34%, xuống 6.509,97 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng giảm 0,57%, xuống 4.148,52 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 mất 0,90%, xuống 9.140,63.



Theo chân diễn biến tẻ nhạt từ thị trường Mỹ và châu Âu, các thị trường chứng khoán châu Á cũng mở đầu phiên giao dịch ngày 5/12 với mức giảm, chủ yếu cũng bị chi phối bởi mối lo về hướng đi sắp tới của FED.



Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 53,41 điểm (0,35%), xuống 15.354,53 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng mất 94,61 điểm (0,40%), xuống 23.634,09 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại gần như đi ngang khi chỉ 'nhích' 1,34 điểm (0,06%), lên 2.253,10 điểm./.






Theo vietnamplus.vn