Cùng chung xu hướng trên phố Wall cuối tuần trước, hầu hết các thị trường châu Á lên điểm khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, ngoại trừ thị trường Nhật Bản bị kéo xuống vì cả đồng yen mạnh lên và vì số liệu tăng trưởng yếu kém ngoài dự kiến.



Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) tăng 0,35%, sau khi đã tăng 5% trong 7 phiên trước đó. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,86%, hay 192,21 điểm, lên 22.490,62 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,52%, hay 10,1 điểm, lên 1.950,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite ở Trung Quốc tăng 0,24%, hay 5,13 điểm, lên 2.120,98 điểm.



Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,04%, hay 5,23 điểm, xuống 14.307,8 điểm. Việc đồng USD giảm được xem là có tác động tiêu cực đến xuất khẩu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản, và dẫn tới làn sóng bán ra trên thị trường chứng khoán. Một nguyên nhân khác dẫn tới sự giảm điểm của chỉ số chứng khoán Nhật Bản là số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 4/2013 chỉ ở mức 0,3% so với quý trước đó, trong khi dự báo sẽ tăng 0,7%.



Tin có tác động tích cực đến thị trường là lượng cho vay của các ngân hàng Trung Quốc trong tháng 1/2014 là lớn nhất trong 4 năm qua, cho thấy tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể không đến mức như một số người lo ngại.



Trong khi đó, chốt phiên cuối tuần trước trên phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng 0,79%, còn chỉ số S&P 500 tăng 0,48%.



Trong tuần này, điều mà thị trường đang chờ đợi là số liệu sơ bộ về Chỉ số quản lý sức mua trong lĩnh vực chế tạo của châu Âu và Mỹ. Ngày 19/2, biên bản cuộc họp tháng Hai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được công bố, nhưng được cho là sẽ không khác nhiều so với những gì Chủ tịch Fed Janet đã phát biểu vào tuần trước. Một ngày sau đó, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp. Các sự kiện còn diễn ra cho đến ngày 23/2, khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi sẽ có cuộc họp báo./.


Theo vietnamplus.vn