Đánh giá chung từ các thành viên trên thị trường chứng khoán, sau đợt tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1, dòng tiền đang có dấu hiệu dừng tay, thị trường nhiều khả năng sẽ đi ngang một chặng trong ngắn hạn.



Tuy nhiên với các tín hiệu kinh tế vĩ mô đang “ấm” dần lên, nhìn chung các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng sự tăng trưởng của thị trường vào nửa cuối của quý 2 này.



Nhà đầu tư… xả hơi




Ông Nguyễn Tuấn, Phó Phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán An Bình cho biết, trong quý 1, thị trường chứng kiến một đợt tăng giá “ầm ầm” của hầu hết các cổ phiếu lớn, nhỏ. Song thời điểm cuối tháng Ba, thị trường chứng khoán đã có diễn biến giảm mạnh với hoạt động chốt lời tại nhiều nhóm cổ phiếu.



Sau khi xác lập đỉnh tại phiên ngày 24/3 (VN-Index đạt 607,55 điểm và HNX-Index đạt 92,99 điểm), hoạt động giao dịch trên thị trường đã chững lại, các chỉ số VN-Index và HNX-Index cùng đi xuống trong 7 phiên (từ ngày 25/3 đến ngày 2/4) và khiến nhiều cổ phiếu có mức trượt giá đến 20%.



“Việc giá hàng loạt cổ phiếu ‘bốc hơi’ cho thấy sự chốt lời không chỉ xuất phát từ nhà đầu tư nhỏ lẻ mà nhiều khả năng được bắt nguồn từ các tổ chức lớn. Điều này cũng đồng thời gợi ý về khả năng những nhóm cổ phiếu được đầu cơ có thể đang nằm trong nền tảng ‘bị phân phối’ và quá trình này sẽ không sớm dừng lại,” ông Tuấn dự báo.



Một dấu hiệu quan trọng khác mà ông Tuấn đưa ra là động thái của thị trường có phần đi ngược với các tín hiệu từ nền kinh tế vĩ mô. Cụ thể, báo cáo từ các tổ chức đánh giá uy tín trong và ngoài nước cho thấy kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi sau một thời gian dài suy giảm.



Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong quý 1 đã có sự cải thiện rõ rệt so với thời điểm cuối năm 2013, chỉ số GDP tăng liền ba quý, trong đó tăng trưởng GDP quý 1/2014 đạt 4,96% cao hơn cùng kỳ hai năm trước (lần lượt ở mức 4,76% và 4,75%) nhờ sự phục hồi của khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp và xây dựng.



Nổi bật là số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1 đã tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm trước tăng 5%), bên cạnh đó chỉ số tồn kho của các doanh nghiệp cũng giảm nhẹ đồng thời lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp (quý 1 chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013 và 4,39% so cùng kỳ năm trước là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009 trở lại đây.)



“Bên cạnh những thông tin ‘tốt’ mà thị trường vẫn giảm giá, điều này hàm ý cho thấy các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang tận dụng những tin tích cực để bán ra được nhiều cổ phiếu hơn,” ông Tuấn nói.



Dưới góc độ là nhà đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Anh (nhà đầu tư trên sàn SSI) chia sẻ suy nghĩ, đầu tư trên thị trường chứng khoán là sự kỳ vọng, nên các động thái của thị trường bao giờ cũng đi trước nền kinh tế một nhịp.



“Đợt tăng trưởng trong quý 1 là một cơ hội tốt để đầu tư và khi tỷ suất lợi nhuận hiện đã đạt vượt mức mong đợi thì phải chốt lời. Hơn nữa, tín hiệu kinh tế vĩ mô sáng lên là rõ ràng, song sòng phẳng mà nói thì tốc độ hồi phục là rất chậm. Do đó, các nhà đầu tư cần phải thận trọng kiểm soát dòng vốn của mình trước khi có những thông tin rõ ràng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đại chúng trong quý 1,” ông Tuấn Anh nói.



“Không có sốc lớn”



Đánh giá về xu hướng của thị trường chứng khoán trong quý 2 này, ông Trần Hoàng Sơn, Chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường đã tạo được một đáy ngắn hạn tại mốc 574,4 của VN-Index và nhiều cổ phiếu hiện đã tạo lập được mặt bằng giá mới. Do đó, diễn biến chính trong tháng Tư, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục tích lũy đi ngang theo xu hướng tăng, trong biên độ dao động của VN-Index từ 590 điểm-620 điểm.



Theo ông Sơn, xu thế kinh tế vĩ mô trong năm 2014 là ổn định hơn, việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đi vào xử lý nợ xấu sẽ là một công cụ để Ngân hàng nhà nước bơm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng yếu kém. Từ đó, nợ xấu của hệ thống Ngân hàng tiếp tục được giải quyết dần dần với sự chủ động của các ngân hàng.

Điều này khiến tăng trưởng tín dụng được khai thông, thị trường bất động sản tiếp cận đáy và bắt đầu đi lên theo tính chu kỳ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thông tin và kỳ vọng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những yếu tố tích cực được các nhà đầu tư đặt kỳ vọng trong năm nay.<



“Do đó, thị trường chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư thu hút điểm đến của dòng tiền trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Về trung và dài hạn, VN-Index đã thiết lập được kênh tăng điểm và khả năng thị trường sẽ tiếp tục trong xu hướng đi lên bền vững trong năm 2014 với mức cao nhất có thể đạt à 635 điểm-650 điểm, trong đó có thể đan xen các nhịp giảm chốt lời nhưng sẽ không có cú sốc nào lớn,” ông Sơn nói.



Có quan điểm thận trọng hơn, ông Tuấn cho rằng, về tổng quan nền kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tốt dần lên, tổng cầu của nền kinh tế dần tăng trở lại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước thoát ra khỏi khó khăn. Tuy vậy, sức khỏe của doanh nghiệp chưa thể phục hồi nhanh chóng. Từ đó kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong nửa đầu năm 2014 dù có khởi sắc nhưng chưa thể bắt kịp với tốc độ tăng của thị giá cổ phiếu trong 6 tháng qua.



“Do vậy trong quý 2, nhiều khả năng thị trường sẽ có sự phân hóa về xu hướng giá giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau. Những cổ phiếu blue-chip có kết quả kinh doanh tốt có thể tiếp tục dao động đi ngang với những biến động tăng giảm không nhiều. Tuy vậy, những cổ phiếu được đầu cơ tăng giá mạnh trong khoảng thời gian qua, như nhóm bất động sản, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán và khá nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ khác có thể sẽ chịu áp lực bán ra trong thời gian tới,” ông Tuấn dự báo.



Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng cho biết, “hiện tôi đang duy trì tỷ lệ cổ phiếu và tiền mặt (50/50) và kế hoạch tiếp theo là nâng tỷ lệ tiền mặt đồng thời sẽ đứng ngoài quan sát và chờ đợt các tín hiệu tích cực hơn mới quay trở lại thị trường chứng khoán”./.

Theo vietnamplus.vn