Kết quả 1 đến 1 của 1
-
11-05-2015, 07:46 AM #1Senior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 4,520
Cổ phần hóa: Bản thân doanh nghiệp không "mặn"
“Chúng tôi muốn tìm hiểu các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa song không biết phải tiếp cận từ đâu và như thế nào. Bởi, họ rất thủng thẳng và không mặn mà cho lắm,” ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital cho biết.
“Ế” do thiếu hấp dẫn
Theo kế hoạch của Chính phủ, trong hai năm 2014-2015 sẽ cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước, bình quân trong năm 2014 sẽ cổ phần hóa 216 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước chỉ ra, bình quân mỗi ngày cơ quan quản lý phải thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 1 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính từ đầu năm đến đầu tháng Tư, HNX đã tổ chức 19 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước). Song, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp thực hiện bán hết 100% số cổ phần chào bán, như CIENCO4, Tổng công ty Xây dựng đường thủy Vinawaco, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI)... còn lại là các phiên đấu giá có khối lượng bán với tỷ lệ thấp, khoảng 15% tổng số cổ phần chào bán.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh, “kết quả này là do cung cầu trên thị trường quyết định. Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp được nhà đầu tư chú ý, quan tâm và mua nhiều hơn thường là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực có tiềm năng, hoặc có nhiều lợi thế đất đai và tình hình sản xuất kinh doanh nói chung ổn định. Mức độ quan tâm và khả năng đầu tư vào các doanh nghiệp có khác nhau, lý do doanh nghiệp chưa hấp dẫn hoặc thị trường chứng khoán có quy mô còn hạn chế…”
Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc IPO hết hay không hết là chuyện bình thường.
Nhưng ông Cung cũng chỉ ra, thị trường đang thiếu các nhà bảo lãnh phát hành. Trong các hoạt động IPO, những nhà bảo lãnh phát hành sẽ nghiên cứu kỹ về công ty và có thể mua lại toàn bộ chứng khoán chưa phân phối hết, đợi khi thị trường thuận lợi thì tung ra bán.
Quay trở lại doanh nghiệp, ông Cung cho rằng, khi cung chưa hấp dẫn cầu thì cần phải giảm giá. Hơn thế nữa, doanh nghiệp phải có thực hiện công khai minh bạch, quảng bá, tuyên truyền về ‘hàng hóa’ của mình để nhà đầu tư thấy được và tin rằng hàng hóa đó thực sự là tốt, giá cả đó thực sự là hợp lý.
Ông Tuấn nhấn mạnh “Vấn đề là phải đối thoại, doanh nghiệp trước khi xây dựng phương án IPO nên tiếp cận và đàm phán với một số nhà đầu tư lớn nhằm xác định ra giá chào bán hợp lý, sau đó mới IPO. Nếu IPO chỉ được quyết định từ một phía thì sẽ không hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn chưa được thuận lợi như hiện nay.”
'Mò mẫm' thông tin
Song bà Lan cũng chỉ ra, việc doanh nghiệp đưa ra IPO có bán được hết cổ phần hay giá bán có cao không, chưa phải là mục tiêu cốt yếu của chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ.
Bởi bà Lan cho rằng, nếu không bán hết, doanh nghiệp có thể bán tiếp theo hình thức thỏa thuận, bán cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động hoặc điều chỉnh lại vốn điều lệ…
Mục tiêu quan trọng là sau khi cổ phần được chào bán ra công chúng, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, thay đổi cơ cấu sở hữu, đổi mới chỉ đạo điều hành, quản trị công ty, có thêm nhiều cơ hội trong chiến lược kinh doanh, thực hiện công khai minh bạch thông tin để qua đó tạo động lực mới cho phát triển,” bà Lan nói.
Tuy nhiên, dưới góc độ là nhà đầu tư tổ chức, ông Tuấn cho biết, quan điểm của các nhà đầu tư là muốn tìm những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh và quản trị kinh doanh tốt đồng thời phải công khai minh bạch.
“Khi lựa chọn được doanh nghiệp có tiềm năng, chúng tôi tiếp cận thì doanh nghiệp nhận được sự đón tiếp không mấy nhiệt tình. Thậm chí, doanh nghiệp còn trả lời chúng tôi là phải nghiên cứu kỹ đi rồi hãy đến gặp họ và khi được yêu cầu cung cấp thông tin thì họ nói phải đợi xin chỉ đạo của cấp trên. Do đó, chúng tôi không thể có đủ thông tin nghiên cứu về doanh nghiệp và cũng như không biết tìm hiểu thông tin ở đâu,” ông Tuấn than thở.
Thắng thắn nhìn nhận vấn đề, ông Cung cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả thì phải bán “cắt lỗ”.
“Trong kinh doanh, thất bại của người này có thể là cơ hội cho người khác, thị trường vốn là như thế. Đối với người này là một đống sắt vụn, nhưng đối với người khác là một khối tài sản. Quan trọng là thông tin trung thực và nhà đầu tư phải được biết đến,” ông Cung nói.
Đối với những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, ông Cung đồng tình là cũng phải thận trọng để tránh thất thoát vốn nhà nước. Song, ông nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể coi đây là cái cớ để làm chậm quá trình cổ phần hóa.
“Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp đủng đỉnh, chậm cổ phần hóa cũng chẳng được lợi cái gì, bởi mục tiêu Chính phủ đặt ra rất rõ ràng. Bên cạnh đó, thị trường đang theo dõi và đánh giá hành vi của doanh nghiệp, về những động thái có thật sự là tích cực muốn bán hay không,” ông Cung nói.
Nhìn chung cả giới đầu tư và các chuyên gia cho rằng, nếu doanh nghiệp nhà nước “thực sự” muốn cổ phần hóa thành công thì có nhiều giải pháp để giải quyết. Đó là họ phải chủ động chào “hàng”, chủ động tìm kiếm đối tác, cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch trên thị trường.../.
Theo vietnamplus.vnView more random threads:
- Năm mã chứng khoán được giao dịch mạnh nhất trong tuần
- Chứng khoán toàn cầu sụt giảm vì hoạt động chốt lời
- Chứng khoán Mỹ ghi nhận ngày thứ 6 liên tiếp mất giá
- Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau báo cáo mới nhất của IMF
- Chứng khoán châu Á đi lên, đồng USD xuống giá
- "Bán chui" chứng khoán bị phạt 200 triệu đồng
- Lực cung tăng mạnh, hai sàn CK diễn biến trái chiều
- Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất
- Chứng khoán toàn cầu đồng loạt ngập trong sắc đỏ
- Thị trường Nhật phản ứng lạc quan về chính phủ mới