Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Hai chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ là Dow Jones và S&P 500 đã thiết lập các đỉnh cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/5 nhờ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu các công ty dịch vụ mạng Internet, công nghệ sinh học và các công ty dịch vụ du lịch.



Đóng cửa phiên 12/5 tại sàn giao dịch New York, cả ba chỉ số cơ bản của Phố Wall đều tăng điểm, trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn hàng đầu của Mỹ tăng 112,13 điểm, tương đương 0,68%, lên 16.695,47 điểm.



Trước đó, đã có lúc, chỉ số danh giá này vọt lên mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay là 16.704,84 điểm.



Standard & Poor 500 cũng tăng khá mạnh, thêm 18,17 điểm (0,97%), lên mức cao kỷ lục mới là 1.896,65 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite tăng mạnh nhất, tới 1,77%, tương đương 71,99 điểm, lên 4.143,86 điểm.



Các nhà phân tích nói rằng tuy không có 'chất xúc tác' rõ ràng cho đợt tăng này, song do các cổ phiếu công nghệ đã bị bán tháo quá mạnh trong thời gian qua trước lo ngại của giới đầu tư rằng các cổ phiếu ngành này đã được định giá quá cao, nên nhà đầu tư tranh thủ lấy lại hàng khi giá đã xuống các mức đủ hấp dẫn.



Trước đó, chỉ tính riêng trong tuần qua, chỉ số Nasdaq đã để mất tới 6,6% giá trị. Trong phiên 12/5, một số cổ phiếu công nghệ đã tăng giá ngoạn mục, trong đó Facebook (+4,5%); Netflix (+5,1%); Twitter (+5,9%); IBM (+1,3%).



Một số cổ phiếu đã từng giảm giá mạnh trong các phiên trước phiên này cũng hồi phục mạnh, với cổ phiếu DTV.O của hãng dịch vụ vô tuyến DirecTV, cổ phiếu TRIP.O của công ty dịch vụ du lịch TripAdvisor Inc, cổ phiếu BIIB.O của công ty công nghệ sinh học Biogen Indec và cổ phiếu IWM.p của công ty iShares Russel 2000 lần lượt tăng 6,6%, 6,4%, 4,7% và 2,3%.



Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng thị trường vẫn khá thận trọng và nhiều nhà đầu tư hiện vẫn có tâm lý đứng ngoài thị trường theo dõi thêm.



Chiến lược gia toàn cầu David Kelly của tập đoàn tài chính và đầu tư JPMorgan Funds lạc quan hơn khi cho rằng, mặc dù tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý đầu năm 2014 bất ngờ giảm, chỉ đạt chưa đầy 1%, nhưng viễn cảnh sáng sủa hơn của nền kinh tế Mỹ, với dự báo tốc độ tăng GDP cả năm 2014 có thể đạt mức cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển (3,5%) đã trở thành động lực lôi cuốn các nhà đầu tư đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán.



Cùng ngày tại châu Âu, các thị trường chứng khoán cũng phần lớn bao phủ một màu xanh với cả ba chỉ số chính của khu vực đều đồng loạt đi lên, trong đó chốt phiên FTSE 100 của Anh tăng 0,55% lên 6.851,75 điểm; DAX 30 của Đức tăng 1,26% lên 9.702,46 điểm và CAC-40 của Pháp tăng 0,37% lên 4.493,65 điểm.



Sang phiên 13/5 tại châu Á, các thị trường chứng khoán trong khu vực cũng đang phần lớn đi lên, nhờ hiệu ứng tích cực từ phiên hôm trước trên các thị trường Âu, Mỹ. Riêng thị trường Nhật Bản còn do đồng USD lại tăng giá so với đồng yen.



Nhà đầu tư trong khu vực hiện đang chờ đợi số liệu về đầu tư, sản lượng công nghệ và doanh số bán lẻ tại Trung Quốc sắp được công bố.



Hầu hết các thị trường chủ chốt trong khu vực hiện đều đang tăng điểm, trong đó Tokyo tăng mạnh 1,66%; Hong Kong tăng 0,48%; Sydney tăng 0,82%; Thượng Hải tiến 0,26% và Seoul tăng 0,80%./.


Theo vietnamplus.vn