Tại sàn giao dịch cổ phiếu New York ngày 24/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên 21/5 trong bối cảnh các doanh nghiệp bán lẻ công bố các báo cáo lợi nhuận tốt xấu đan xen và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng Tư của Fed, qua đó khẳng định chính sách nhất quán của thể chế này.



Đóng cửa phiên 21/5, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều tăng điểm, trong đó Dow Jones Industrial tăng 158,75 điểm (0,97%) lên 16.533,06 điểm; S&P 500 tăng 15,20 điểm (0,81%) lên 1.888,03 điểm và Nasdaq Composite tăng 34,65 điểm (0,85%) lên 4.131,54 điểm.



Theo Brent Schutte, chiến lược gia về thị trường tại BMO Global Asset, thị trường cổ phiếu tăng khá mạnh phiên này chủ yếu do nhà đầu tư phản ứng trước biên bản cuộc họp tháng Tư của Fed cho hay Fed không có ý định đẩy nhanh thời gian tăng lãi suất và dự kiến chỉ có thể thực hiện điều này vào giữa năm 2015 trở đi.



Tuy nhiên, nhà phân tích này cho rằng phiên phục hồi trở lại này còn do phiên trước đó chứng khoán Mỹ đã giảm khá sâu.



Cùng ngày tại châu Âu, màu xanh hầu như cũng bao phủ khắp các sàn chủ chốt của khu vực khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với những động thái mới nhất từ các ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Nhật Bản (BoJ), cũng như việc công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng Tư của Fed.



Ngoài ra, những chỉ số kinh tế khởi sắc tại Anh cũng khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên vững vàng hơn. Một số nhà phân tích cho rằng, bức tranh kinh tế sáng lên có thể khiến BoE sớm xem xét lại chính sách tiền tệ lỏng của mình và tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch.



Đóng cửa phiên 21/5, cả ba chỉ số chủ chốt của châu Âu đều đi lên, trong đó FTSE 100 của London tăng 0,28% lên 6.821,04 điểm; DAX 30 của Đức tăng 0,61% lên 9.697,87 điểm và CAC 40 của Pháp tiến 0,37% lên 4.469,03 điểm.



Sang phiên 22/5 trên thị trường châu Á, các sàn chủ chốt trong khu vực cũng đang hầu hết đi lên sau khi thị trường đón nhận thông tin cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã được cải thiện trong tháng Năm.



Theo số liệu sơ bộ của ngân hàng HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng Năm đã tăng lên 49,7 so với mức 48,1 của tháng Tư.



Con số này cho thấy sự suy giảm của hoạt động công nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại trong tháng Năm và đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này tăng tháng sau cao hơn tháng trước, tín hiệu cho thấy nền kinh tế này đã tăng trưởng nhanh hơn sau hai tháng chậm chạp trước đó.



Hiện các chỉ số chính của khu vực đang hầu hết tăng điểm, trong đó Nikkei 225 của Nhật tăng khá mạnh 1,6%; Hang Seng của Hong Kong tăng 0,74%; Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,65%; KOSPI của Hàn Quốc thêm 0,61%; Hai sàn khác là Sydney và Đài Loan (Trung Quốc) cũng lên điểm./.




Theo vietnamplus.vn