Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


“Thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục diễn biến sôi động trong 6 tháng cuối năm 2014, khi các điều kiện hỗ trợ vẫn khá mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Chính Phủ duy trì chính sách tái cấu trúc nền kinh tế.”



Đây là nhận định từ ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Vietnam+.



- Sáu tháng đầu năm, thị trường trái phiếu Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh và ông dự báo như thế nào về xu hướng thị trường ở nửa cuối của năm?



Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Thị trường trái phiếu Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu Chính phủ đang tiếp tục cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong sáu tháng đầu năm 2014.



Tính đến hết tháng 6/2014, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 138 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, hoàn thành 66% kế hoạch phát hành của năm 2014. Theo đó, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ đã tăng thêm khoảng 90.000 tỷ đồng so với cuối năm 2013 và tương đương khoảng 13,7% GDP.



Bên cạnh đó, cơ cấu kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành đang chuyển biến tích cực. Tỷ trọng các kỳ hạn từ 5 năm trở lên tăng đáng kể, chiếm 37% tổng lượng phát hành so với mức 28% của năm 2013.



Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện, doanh số giao dịch bình quân phiên tăng mạnh tới 36% so với năm 2013, từ 1.400 tỷ đồng/phiên của năm 2013 lên mức 1.900 tỷ đồng/phiên. Tỷ lệ turnover ratio (doanh số giao dịch/quy mô thị trường) 6 tháng đầu năm đạt 47,4%.



Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận nhiều sự chuyển biến tích cực với diễn biến khá sôi động. Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt hơn 14.000 tỷ đồng, cao hơn mức phát hành của cùng kỳ năm 2013.



Cơ cấu tổ chức phát hành chuyển dịch từ cơ cấu các doanh nghiệp bất động sản (73% trong năm 2013) sang các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác (sáu tháng đầu năm 2014, phát hành của các doanh nghiệp khai khoáng chiếm tỷ lệ 68%, tiếp đến là nông nghiệp và bất động sản chiếm 11%).



Trong bối cảnh Chính phủ duy trì chính sách tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tập trung sàng lọc để hướng tới chất lượng tăng trưởng, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp, với những điều kiện hỗ trợ khá mạnh như vậy, tôi cho rằng thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục diễn biến sôi động từ nay đến cuối năm.



- Thị trường trái phiếu Việt Nam được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số các nền kinh tế Đông Á, tuy nhiên ADB cũng cảnh báo các tác động bên ngoài sẽ ảnh hưởng thị trường tài chính của khu vực, theo ông Việt Nam cần phải có những đối sách như thế nào?



Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Thị trường trái phiếu Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đánh giá những rủi ro đến từ bên ngoài cần xem xét cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường.



Hiện tại, trong danh mục trái phiếu Chính phủ đang lưu hành của Việt Nam, tỷ trọng nắm giữ của khối nhà đầu tư nước ngoài ước tính chỉ chiếm khoảng 2%, tương đương 10.000 tỷ đồng và 98% còn lại thuộc về các nhà đầu tư trong nước.



Trong khi đó, tỷ lệ này tại Thái Lan là 18%-82%, Indonesia là 33%-67% hay Hàn Quốc là 9%-91% theo thống kê của ADB.



Như vậy, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện còn rất hạn chế, xét về cả tỷ trọng tương đối và quy mô tuyệt đối. Do đó, trong trường hợp có những biến động từ kinh tế thế giới thì về cơ bản cũng sẽ không tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đáng kể đối với thị trường trái phiếu Việt Nam.



Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, Việt Nam có thể không cần đối sách để ứng phó với khả năng Mỹ thu hẹp QE3(gói nới lỏng định lượng), kinh tế Trung Quốc suy giảm,… song thực sự lại cần những giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường trái phiếu Việt Nam nói riêng, thị trường vốn nói chung.



Theo tôi, Việt Nam cần đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình phát triển thị trường trái phiếu mà Bộ Tài chính đã vạch ra, song song với quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế mà Chính Phủ đang triển khai. Một nền kinh tế vững mạnh cộng với một thị trường vốn quy mô chắc chắn sẽ làm tăng sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài.



- Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục giảm mạnh (quý I/2014, thị trường trái phiếu công ty giảm 12,6% so với quý liền trước và 43,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 600 triệu USD, theo ADB,) vậy ông đánh giá tiềm năng và những giải pháp thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp?



Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Theo tôi, tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn.



Bởi thông lệ quốc tế cho thấy, các nước có thị trường tài chính phát triển, trái phiếu là kênh dẫn vốn chủ đạo và quan trọng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung và dài hạn.



Tuy nhiên tại Việt Nam, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá khiêm tốn khi tổng giá trị thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 2,65% GDP, thấp hơn rất nhiều so với mức mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt tại lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (7% GDP), trong khi đó tỷ trọng này tại một số nước đang phát triển khác như Malaysia (60% GDP), Brazil (200% GDP).



Việt Nam là nước đang phát triển với nhu cầu vốn trung và dài hạn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng lớn thì tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp/GDP thấp cho thấy dư địa rất lớn cho việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.



Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô đang duy trì nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường, như tăng trưởng kinh tế ổn định và đi vào phát triển theo hướng bền vững, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản trên thị trường dồi dào, mức độ hấp dẫn của các công cụ đầu tư khác như trái phiếu Chính phủ, tiền gửi, ngoại tệ…ngày càng suy giảm buộc các nhà đầu tư phải tìm kiếm các kênh đầu tư khác với mức độ sinh lời tốt hơn.



Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng đã có dấu hiệu khởi sắc đồng thời tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.



Ngoài ra, sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ.



- Ông có thể cho biết tiến độ ra đời của trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp?



Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Về tiến độ xây dựng trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp, tháng 11/2013, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam đã gửi dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Thông tin thông tin trái phiếu doanh nghiệp trình Bộ Tài chính.



Hiện, Hiệp hội đang tiếp tục phối hợp, làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.



Bên cạnh đó, từ quý 4/2013, Hiệp hội đã chủ động thu thập các dữ liệu lịch sử về trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường để tạo lập nền tảng dữ liệu chuẩn bị cho việc vận hành và quản lý trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp



Chúng tôi dự kiến việc thu thập dữ liệu sẽ hoàn thành vào tháng Tám năm nay./.



Xin trân trọng cảm ơn ông!




Theo vietnamplus.vn