Kết quả 1 đến 1 của 1
-
11-05-2015, 07:29 AM #1Senior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 4,520
Thiếu vắng dòng tiền lớn, thị trường đứng trước sự phân hóa
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chứng khoán vẫn khó có thể thấy động lực vượt qua ngưỡng kỹ thuật 600 điểm của VN-Index , đó là nhận định chung của các thành viên tham gia trên thị trường.
Quan sát diễn biến giao dịch của thị trường trong tháng Bảy, VN-Index đi từ mức 578 điểm (1/7) lên chạm mốc 600 điểm (25/7), HNX-Index cũng tương tự xuất phát từ mức 77,93 điểm (1/7) và dễ dàng tiếp cận mốc 80 điểm (15/7). Tuy nhiên, tại các mốc kháng cự mạnh này, cả VN-Index và HN-Index cùng rơi vào trạng thái giằng co và lình xình đi xuống.
Theo đó, những phiên cuối tháng thanh khoản trên thị trường cũng bắt đầu giảm sút, khối lượng chứng khoán trên sàn HoSE dừng quanh mức 50 triệu-60 triệu đơn vị/phiên, tại sàn HNX cũng đạt khoảng 45 triệu-50 triệu đơn vị/phiên.
Tuy nhiên sang tới tháng Tám, sau phiên điều chỉnh ngày 1/8, thị trường lấy lại đà tăng mạnh mẽ trong hai phiên tiếp theo (4 và 5/8) với việc VN-Index vượt mốc 600 điểm lên mức 607,73 điểm và HNX-Index chạm mức 80,12 điểm.
Mặc dù có sự phục hồi ngoạn mục của các chỉ số chính trên hai sàn niêm yết, song nhiều thành viên trên thị trường vẫn tỏ ra khá nghi ngờ về xu thế đi lên bền vững của thị trường. Bởi các chỉ báo dòng tiền vẫn suy giảm cho thấy dòng tiền lớn vẫn tiếp tục đứng ngoài thị trường và vẫn có sự phân hóa ở từng nhóm cổ phiếu.
Trên góc độ vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm tăng nhẹ 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, bên cạnh đó chỉ số PMI trong 11 tháng qua cũng đứng trên mức 50% cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trên đà mở rộng (có sự đóng góp lớn từ khối FDI).
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tuy vậy, chỉ số CPI trong bảy tháng chỉ tăng 1,62% so với tháng 12/2013 cho thấy cầu tiêu dùng hiện nay còn đứng ở mức thấp, xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người dân vẫn đang hiện hữu, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng còn thấp….
Ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình cho rằng, các yếu tố trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục chậm và thị trường chứng khoán trong một năm trở lại đây, về cơ bản, sẽ dần tăng trưởng trở lại theo kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, ông Tuấn nhấn mạnh, một yếu tố cần quan tâm là ảnh hưởng của căng thẳng trên Biển Đông đang làm chậm lại sự hồi phục kinh tế Việt nam. Nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp cũng như Chính phủ đang có thay đổi để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc, tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm nay và năm sau có thể cao hơn do Việt Nam sẽ tăng chi phí đầu tư vào quốc phòng.
“Như vậy, có thể cho thấy kinh tế vĩ mô sẽ không nhanh chóng hồi phục, trong hai tháng tới mặc dù chưa nhìn thấy rõ ràng tác động của vấn đề Biển Đông lên nền kinh tế, nhưng cuối năm nay và năm sau, sự ảnh hưởng sẽ rõ ràng hơn. Từ đó, thị trường chứng khoán với điểm tựa kinh tế vĩ mô sẽ không nhanh chóng tăng trưởng kể từ thời điểm hiện nay,” ông Tuấn dự báo.
Về góc độ kỹ thuật, ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) phân tích, khối lượng tiếp tục có xu hướng sụt giảm khá mạnh trên 2 cả sàn và hiện tại vẫn chưa thấy dòng tiền lớn quay lại thị trường. Do đó, động lực để tiếp tục đẩy giá các cổ phiếu lên mặt bằng cao hơn đang trở nên yếu đi và nếu xét theo các yếu tố dòng tiền và các tin tức hỗ trợ trong thời gian tới.
“Vùng hỗ trợ 585 theo chúng tôi là mức hỗ trợ khá chắc chắn do vậy VN-Index cần thêm thời gian tích lũy quanh vùng này trước khi chinh phục các đỉnh cao mới trong năm nay.
Xu hướng trong tuần tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa, VN-Index sẽ tiếp tục kiểm tra quanh ngưỡng 585 điểm–600 điểm, với động lực tiếp tục từ các dòng tiền ngắn hạn luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu tăng trưởng và các mã vốn hóa lớn,” ông Hiển đánh giá.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Tuấn cho rằng, mặc dù các chỉ số VN-Index và HNX-Index đang nỗ lực hồi phục với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tuy vậy, khối lượng giao dịch liên tục suy giảm. Điều này cho thấy dòng tiền chưa thực sự quay trở lại thị trường hay sự e ngại của đại đa số nhà đầu tư còn hiện hữu.
“Trước bối cảnh này, có thể thấy xu thế tăng giá và dao động đi ngang tại mức giá hiện nay của thị trường không thực sự bền vững, rủi ro giảm điểm trong tháng Tám với đại đa số cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn còn, nhiều khả năng thị trường sẽ cần một vài tháng để tích lũy cổ phiếu trước khi xuất hiện những đợt tăng giá dài hơn,” ông Tuấn nói./.
Theo vietnamplus.vnView more random threads:
- Thiếu vắng lực đỡ, chỉ số VN-Index tiếp tục đánh rơi gần 4 điểm
- Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cùng phục hồi mạnh mẽ
- Chứng khoán toàn cầu đồng loạt đi lên ngay từ đầu phiên
- Chứng khoán châu Á bất nhất do số liệu kinh tế Mỹ
- Chứng khoán châu Á lên điểm sau cam kết của ECB
- Chứng khoán toàn cầu diễn biến không đồng nhất
- Tâm lý thận trọng, hai sàn tăng giảm trái chiều nhau
- Đấu thầu không thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu
- Cổ phiếu chào bán của Facebook đạt 100 tỷ USD?
- Hơn 1.000 tỷ đồng đổ về thị trường tại phiên đỏ lửa