Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)


Trong năm phiên giao dịch tuần qua (25-29/8), chứng khoán Mỹ đã trải qua các cung bậc thăng trầm khác nhau, do tác động của các yếu tố kinh tế chính trị đan xen. Dù vậy, Phố Wall vẫn khép lại một tuần giao dịch thành công nhờ sự bứt phá ngoạn mục của chỉ số S&P 500.



Xu hướng đi lên liên tiếp diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ trong hai phiên giao dịch đầu tuần (từ ngày 25-26/8), nhờ quan điểm thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc nâng lãi suất, cũng như một loạt tín hiệu sáng từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.



Cụ thể, chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8/2014 đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên 92,4. Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 2/2008.



Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa công bố báo cáo mới nhất cho hay lượng đơn đặt hàng lâu bền của nước này trong tháng Bảy vừa qua cũng tăng 22,6% lên mức cao kỷ lục.



Đáng chú ý là trong phiên 26/8, chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 14 năm qua, còn chỉ số S&P 500 cũng lần đầu tiên chốt phiên trên ngưỡng 2.000 điểm.



Mặc dù sau khi phá mốc 2.000 điểm, chỉ số S&P 500 tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 27/8, nhưng xu hướng tăng giảm bất nhất vẫn diễn ra tại Phố Wall, với diễn biến mờ nhạt của chỉ số Dow Jones và Nasdaq.



Tới phiên 28/8, “sắc đỏ” trở lại thống lĩnh thị trường chứng khoán toàn cầu, do tình hình bất ổn địa chính trị tại Ukraine đang có xu hướng xấu đi.



Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đã phủ “bóng đen” lên báo cáo tích cực của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tốc độ tăng trưởng 4,2% trong quý 2 vừa qua, cao hơn con số công bố trước đó.



Tuy nhiên, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Phố Wall lại nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng Tám (29/8), bất chấp tình hình căng thẳng không ngừng leo thang tại Ukraine và việc Anh nâng mức cảnh báo nguy cơ đe dọa khủng bố từ 'đáng kể' lên 'nguy hiểm,' giữa bối cảnh diễn biến tại Iraq và Syria đang rất phức tạp.



Sự đi lên của chứng khoán Mỹ trong phiên này còn gây ngạc nhiên hơn, khi giới đầu tư dường như cũng “phớt lờ” luôn báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ cho hay hoạt động chi tiêu tiêu dùng - động lực tăng trưởng chủ lực của nước này - đã giảm 0,1% trong tháng 7/2014, lần giảm đầu tiên trong vòng sáu tháng qua, sau khi tăng 0,4% vào tháng Sáu.



Theo giới phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là do thu nhập cá nhân của người dân Mỹ giảm 0,2% trong tháng Bảy, trong khi doanh số bán ô tô và các hàng hóa lâu bền đều giảm mạnh.



Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 18,88 điểm (0,11%), lên 17.098,45 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng ghi thêm 22,58 điểm (0,5%), lên 4.580,27 điểm.



Đáng chú ý là trong phiên này, S&P 500 tiếp tục là chỉ số có bước đi ấn tượng nhất khi một lần nữa xác lập mức đóng cửa cao kỷ lục mới 2.003,37 điểm, tăng 0,33% so với phiên trước đó. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của thị trường trong phiên tính tới thời điểm này lại ở mức thấp nhất trong năm.



Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,6%, chỉ số S&P 500 tiến 0,8% và chỉ số Nasdaq cộng 0,9%.



Xét từ đầu năm 2014 tới nay, cả ba chỉ số chính của Phố Wall cũng đều duy trì mức tăng lần lượt là Dow Jones +3,2%, Nasdaq +9,7% và S&P 500 +8,4%./.


Theo vietnamplus.vn