John Leahy - Giám đốc bán hàng của công ty con chế tạo máy bay Airbus. (Nguồn: bloomberg)


Một tòa án ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 3/10 đã mở phiên tòa xét xử các quan chức của Tập đoàn hàng không Airbus liên quan tới các cáo buộc giao dịch nội gián về cổ phiếu nhằm thu lợi bất chính hồi năm 2006.



Phiên tòa này được chờ đợi từ lâu và kết thúc quá trình điều tra kéo dài tám năm qua.



Bảy quan chức cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu của Tập đoàn hàng không vũ trụ lớn nhất châu Âu EADS (công ty mẹ của Airbus), cùng hai cựu cổ đông công nghiệp khác bị cáo buộc đã tìm cách trục lợi từ việc ồ ạt bán cổ phiếu do biết trước các thông tin nội bộ của công ty.



Sau khi nắm được thông tin về chiến lược phát triển của hai dòng máy bay phản lực là A380 và A350 cũng như triển vọng tài chính đang xấu đi của công ty, những nhân vật trên đã tìm cách thu lời hàng triệu euro trong đợt bán cổ phiếu hồi tháng 3/2006. Sự việc trên diễn ra ba tháng trước khi Airbus công bố kế hoạch hoãn giao siêu máy bay A380.



Việc Airbus công bố hoãn bàn giao cho khách hàng máy bay A380 cùng với báo cáo lợi nhuận của Tập đoàn EADS có thể giảm mạnh, đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm tới 26% trong phiên giao dịch ngày 13/6/2006, tương đương 5,5 tỷ euro.



Các quan chức bị xét xử gồm John Leahy - Giám đốc bán hàng của công ty con chế tạo máy bay Airbus; Alain Flourens - Giám đốc chương trình sản xuất máy bay A380; Andreas Sperl - cựu Giám đốc Tài chính của Airbus và đang là Giám đốc điều hành hãng sản xuất máy bay vận tải EFW của Tập đoàn Airbus; Noel Forgeard - cựu Giám đốc điều hành EADS và một nhân vật từng là cố vấn của cựu Tổng thống Jacques Chirac.



Ngoài ra, các đại diện của Tập đoàn truyền thông Lagardere (Pháp) và Hãng chế tao ôtô Daimler (Đức), từng nhanh chóng giảm cổ phần của họ tại Tập đoàn EADS trước thời điểm Airbus công bố thông tin nội bộ, gây ảnh hưởng tới chứng khoán của EADS, cũng bị triệu tập tới tòa án.



Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài ba tuần và phán quyết sẽ do một hội đồng thẩm phán đưa ra. Các chuyên gia pháp lý cho rằng để ra được phán quyết có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng, ngoài ra quá trình kháng cáo có thể mất nhiều năm./.




Theo vietnamplus.vn