Ảnh minh họa. (Nguồn: notitarde.com)


“Sắc đỏ” thống lĩnh thị trường chứng khoán Mỹ trong cả bốn trên năm phiên giao dịch của tuần qua, giữa bối cảnh giới đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.



Đây cũng ghi dấu là tuần giao dịch tồi tệ nhất của Phố Wall trong vòng hơn hai năm qua và thậm chí còn đẩy chỉ số Dow Jones xuống thấp hơn mức chốt năm 2013.



Thị trường mở cửa không mấy thuận lợi ngay từ phiên giao dịch đầu tuần (ngày 6/10), do các nhà kinh doanh cổ phiếu giữ tâm lý thận trọng trước khi mùa công bố lợi nhuận quý Ba của khối doanh nghiệp Mỹ diễn ra, bởi xu hướng tăng giá gần đây của đồng USD đã tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các công ty, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.



Đà đi xuống tiếp tục “đeo bám” Phố Wall trong phiên giao dịch liền sau đó (ngày 7/10), khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 và năm 2015 lần lượt xuống các mức 3,3% và 3,8%, so với các con số được đưa ra hồi tháng Bảy là 3,4% và 4%.



Đây là lần thứ ba thể chế tài chính toàn cầu này điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, chủ yếu là do viễn cảnh kinh tế kém lạc quan tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Nga, Trung Đông và Nhật Bản.



Ngoài ra, thị trường còn chịu sức ép từ các số liệu tiêu cực về sản lượng công nghiệp và lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy trong tháng 8/2014 của Đức, dấy lên thêm mối quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.



Điểm sáng duy nhất của tuần này chỉ xuất hiện trong phiên giao dịch 8/10, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp định kỳ tháng Chín, trong đó cho thấy khả năng Fed sẽ không vội vàng trong việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Ngân hàng này bày tỏ lo ngại về xu hướng mạnh lên của đồng USD, tình hình tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế lớn, cùng những căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực.



Tuy nhiên, màu đỏ đã nhanh chóng trở lại trên thị trường chứng khoán Mỹ trong hai phiên giao dịch cuối tuần, do một loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng mới từ châu Âu, càng tô thêm “màu xám” vào bức tranh kinh tế vốn ảm đạm của khu vực này.



Phát biểu tại hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington ngày 10/10, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde lưu ý, Eurozone đang đối mặt với nguy cơ rơi trở lại suy thoái, với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2014 và 2015 ước đạt 0,8% và 1,1%.



Ngoài ra, đà giảm của các chỉ số chứng khoán Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 10/10 còn chịu sự chi phối bởi việc Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor vừa hạ triển vọng tín nhiệm của Pháp từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực” và giá cổ phiếu của Microchip Technology, tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất nước Mỹ, giảm mạnh 12,3%, sau khi hạ dự báo doanh thu trong quý 4/2014, do hoạt động kinh doanh yếu kém tại thị trường Trung Quốc.



Khép lại phiên cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 115,11 điểm (0,69%), xuống còn 16.544,14 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 22,16 điểm (1,15%), xuống 1.906,05 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite hạ 102,10 (2,33%), đóng cửa ở mức 4.276,24 điểm.



Tính chung cả tuần, Nasdaq Composite mất giá mạnh nhất (-4,5%), S&P 500 giảm 3,1% và Dow Jones hạ 2,7%. Đây là tuần mất điểm thứ ba liên tiếp của chứng khoán Mỹ và cũng là tuần giao dịch thảm hại nhất của ba chỉ số danh giá này kể từ tháng 5/2012. Đáng chú ý là đà giảm liên tiếp gần đây đã đẩy chỉ số Dow Jones hiện ở mức thấp hơn 30 điểm so với mức chốt năm 2013.



Hiện giới đầu tư đang nóng lòng chờ đón mùa công bố lợi nhuận quý 4/2014 sẽ bắt đầu khởi động vào tuần tới, cùng một loạt báo cáo kinh tế quan trọng giúp định hướng đầu tư như doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Chín và việc Fed công bố “Cuốn sách Be” (đánh giá tình hình kinh tế Mỹ)./.






Theo vietnamplus.vn