Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York ngày 29/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt đi lên mạnh mẽ trong hai ngày cuối tuần qua, lấy lại hầu như toàn bộ những gì đã mất trong các phiên trước đó, trong đó chứng khoán Mỹ và Nhật Bản đồng thời lập các mức đỉnh cao kỷ lục mới.
Sau khi tăng giảm trái chiều và khá lình xình, thậm chí 'đỏ sàn' trong một số phiên đầu tuần, chứng khoán Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã đảo chiều đi lên mạnh mẽ từ phiên hôm thứ Năm (30/10), sau khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra báo cáo cho biết GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 3 đã đạt nhịp độ tăng trưởng 3,5%, cao hơn mức dự báo 3,0% của chính phủ và giới chuyên gia, và chỉ kém mức tăng 4,6% trong quý 2.



Như vậy, trong sáu tháng đầu năm nay, nhịp độ tăng GDP của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2003, chủ yếu do đầu tư của các doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng tăng.



Thông tin tích cực này đến ngay sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) chấm dứt toàn bộ chương trình nới lỏng định lượng (QE) kéo dài sáu năm nay sau phiên họp mới nhất, càng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phục hồi ổn định, bất chấp kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng phát triển chậm lại.



Thông tin trên, cùng với những nhận định khả quan của Fed về thị trường việc làm, đã khiến thị trường chứng khoán Phố Wall bật mạnh trong phiên 30/10, kéo các thị trường châu Á và châu Âu khởi sắc theo.



Đà tăng càng mạnh lên trong phiên cuối tuần ngày 31/10 sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẽ tiếp tục mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ khổng lồ để 'xốc' lại nền kinh tế đang tăng trưởng èo uột của nước này.



Ngày 31/10, BOJ đã bất ngờ công bố quyết định gây ngạc nhiên theo đó cho biết, ngân hàng này sẽ tăng thêm 20.000 tỷ yen (182 tỷ USD) trong chương trình mua tài sản hiện tại, đưa tổng số tiền của gói kích thích này lên 80.000 tỷ yen hàng năm.



Đây là đợt nới lỏng đầu tiên trong gói kích thích kinh tế khổng lồ của BOJ kể từ khi ngân hàng này tung ra chương trình nói trên vào tháng Tư, như một phần trong những nỗ lực của Tokyo nhằm kích hoạt nền kinh tế tăng trưởng trở lại và tránh khỏi bị rơi vào giảm phát.



Quyết định này cũng đã khiến đồng yen tụt ngay xuống 110,90 yen = 1 USD - mức thấp nhất của đồng yen so với đồng USD kể từ tháng 1/2008.



Quyết định này của BoJ, cộng thêm vào bức tranh kinh tế sáng sủa của Mỹ, đã đẩy các sàn chứng khoán trên toàn thế giới, từ châu Á, qua châu Âu, sang Mỹ, đồng loạt đi lên.



Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên cuối tuần và cũng là phiên cuối cùng của tháng Mười (31/10) tăng vọt 4,83% (tương đương tăng 755,56 điểm) lên 16.413,76 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 11/2007.



Màu xanh cũng rộ lên trên khắp các sàn chủ chốt của châu Á trong cùng ngày.



Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán nước Anh chốt phiên cuối tuần tăng 1,3%; trong lúc của Pháp và Đức tăng 2,2% và 2,3%.



Tại Mỹ, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều bật mạnh, đặc biệt là hai chỉ số Dow Jones Industrial Average và S&P 500, trong đó Dow Jones tăng 1,1% lên mức cao kỷ lục mới 17.390,52 điểm, vượt qua kỷ lục cũ trước đó tới hơn 100 điểm; S&P 500 tăng 1,2% lên 2.018,05 điểm, cũng cao hơn kỷ lục cũ 7 điểm. Nasdaq Composite cũng tăng 1,4% lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2000.



Chỉ số chứng khoán khu vực Mỹ Latinh cũng dậy sóng, với chỉ số Ibovespa của Brazil vọt tới 4,4% và chứng khoán Mexico tăng 1,0%./.


Theo vietnamplus.vn