Một phiên giao dịch cổ phiếu tại sàn New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Sau khi liên tục xác lập các mức cao kỷ lục mới, chứng khoán Mỹ lại biến động ngược chiều trong ngày 25/11, với biên độ giao dịch hẹp, sau khi nền kinh tế số một thế giới vừa đón nhận thêm một vài thông tin tốt xấu đan xen.



Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã để tuột mất đà tăng ở đầu phiên và giảm nhẹ 2,96 điểm (0,02%), xuống 17.814,94 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 2,38 điểm (0,12%), xuống 2.067,03 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tăng 3,36 điểm (0,07%), đóng cửa ở mức 4.758,25 điểm.



Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 3 đạt mức 3,9%, cao hơn con số ước tính trước đó là 3,5%, đồng thời cũng vượt xa dự đoán của giới chuyên gia phân tích là 3,2%. Thông tin này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần nới rộng khoảng cách tăng trưởng với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang gặp khó khăn và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.



Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Conference Board cho biết chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm xuống 88,7 trong tháng Mười Một, so với mức tương ứng 94,1 của tháng Mười. Cùng góp phần chi phối thị trường cổ phiếu trong phiên này là thông tin đà tăng giá nhà ở của Mỹ trong tháng 9/2014 tiếp tục chậm, chỉ đạt 4,9% so với cùng kỳ năm 2013.



Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán đều 'xanh sàn', nhờ tín hiệu tích cực từ kinh tế Đức và những hy vọng về gói kích thích kinh tế dành cho Eurozone. Chốt phiên 25/11, tại thị trường London của Anh, chỉ số FTSE 100 tăng 0,02%, lên 6.731,14 điểm.



Tại thị trường Paris, chỉ số CAC của Pháp cũng tiến 0,32%, lên 4.382,31 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cộng thêm 0,77%, lên 9.861,21 điểm, sau khi Chính phủ nước này công bố báo cáo cho hay kinh tế Đức tăng trưởng 0,1% quý 3/2014, thoát khỏi nguy cơ rơi vào suy thoái như nhiều người dự đoán trước đó.



Sang tới phiên giao dịch ngày 26/11, tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng dao động ngược chiều sau vài giờ mở cửa. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 59,65 điểm (0,34%), xuống 17.347,97 điểm, do xu hướng tăng giá của đồng USD so với đồng yen đã bắt đầu thoái trào.



Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong lại gần như không biến động so với phiên trước, chỉ hạ nhẹ 10,72 điểm, xuống 23.833,19 điểm, giữa bối cảnh thông tin về mức tăng trưởng cao hơn dự kiến của kinh tế Mỹ trong quý 3 không đủ để thúc đẩy các nhà đầu tư tăng cường mua vào cổ phiếu./.


Theo vietnamplus.vn