Ảnh minh họa. (Nguồn: notitarde.com)


Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 20/1 biến động nhẹ sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015 và 2016.



Quyết định trên của IMF làm gia tăng đồn đoán rằng ngân hàng trung ương các nước trên thế giới sẽ thực thi chính sách mạnh mẽ hơn để cải thiện tình hình kinh tế.



Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu tiếp đà lên điểm mạnh trước niềm tin rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tung ra chương trình nới lỏng định lượng (QE) để ngăn chặn giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng.



Kết thúc phiên, chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng 3,66 điểm (0,02%) lên 17.515,23 điểm, S&P 500 tăng 3,12 điểm (0,15%) lên 2.022,54 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 20,46 điểm (0,44%) lên 4.654,85 điểm.



Việc IMF điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu nhiên liệu sẽ giảm tới năm 2016. Dự báo này đã góp phần đẩy giá dầu thô phiên 20/1 đi xuống.



Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tích cực của một số công ty năng lượng đã giúp chỉ số S&P Energy (lĩnh vực năng lượng) tăng 0,09% trong phiên này.



Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, IMF khuyến nghị rằng các nền kinh tế tiên tiến cần duy trì các chính sách kích thích tăng trưởng để tránh đẩy lãi suất thực đi lên, trong bối cảnh dầu mỏ rớt giá làm gia tăng nguy cơ giảm phát.



Trong khi đó, thị trường nhận định rằng tại cuộc họp chính sách ngày 22/1 tới, ECB sẽ công bố chương trình mua trái phiếu quy mô lớn hay được biết đến với tên gọi là (QE), trị giá tối thiểu 500 tỷ euro.



Niềm tin này cùng với các số liệu vừa công bố cho thấy tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc không trầm trọng như so với những gì mà các bên tham gia thị trường lo ngại đã giúp đẩy chỉ số chứng khoán châu Âu FTSEurofirst 300 lên mức cao nhất trong bảy năm qua là 1.428,22 điểm, trước khi dịu lại mức 1.422,79 điểm (tăng 0,9%) vào cuối phiên./.


Theo vietnamplus.vn