Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)


Theo ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm công tác Thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2014), hiện vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam rất nhỏ so với các nước trong khu vực ASEAN, bằng 1/5 so với Philippines, 1/10 so với Malaysia. Điều này cho thấy Việt Nam chưa thu hút được dòng tiền lớn và dài hạn của các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài.



“Quá trình cổ phần hóa cần phải được thực hiện quyết liệt và nhanh chóng hơn nữa. Chính phủ nên chào bán ít nhất 20% đến 40% doanh nghiệp cổ phần hóa để tăng thanh khoản trên thị trường,” chuyên gia Dominic Scriven phân tích.
Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình cổ phần hóa, ông Dominic cho rằng, các nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) không được biết về những danh mục và thời điểm của các tập đoàn, công ty mà Chính phủ dự định cổ phần hóa.



“Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ được biết thông tin về cổ phần hóa của một doanh nghiệp thông qua báo chí một cách ngẫu nhiên, hiện tại không có một danh mục và thời điểm chính thức nào từ phía Chính phủ,” ông Dominic nói.



Theo đánh giá chung từ Nhóm công tác Thị trường vốn, một danh mục với tên doanh nghiệp và thời điểm dự kiến cổ phần hóa, dự kiến về quy mô, khoảng giá chào bán sẽ là những tín hiệu đầy đủ và rõ ràng hơn về quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa. Qua đó, nhà đầu tư cũng có lộ trình cần thiết để nghiên cứu, tìm hiểu doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào các tập đoàn, công ty mà họ quan tâm.



Bên cạnh đó, Nhóm công tác cũng đề xuât một số giải pháp kỹ thuật để thu hút nguồn vốn và đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, như đẩy nhanh việc thành lập quỹ hưu trí, mời một số tổ chức có uy tín quảng bá ra thị trường quốc tế cho một số công ty lớn có kế hoạch cổ phần hóa, cân nhắc nhà đầu tư chiến lược cũng như tăng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài…



Phản hồi những băn khoăn của Nhóm công tác Thị trường vốn, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (SSC) cho biết, chủ trương của Chính phủ là ủng hộ dòng vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở phân loại doanh nghiệp, theo đó những doanh nghiệp không thuộc diện hạn chế, kinh doanh có điều kiện sẽ được nới tỷ lệ sở hữu.



“Hiện nay, SSC đã xây dựng văn bản đệ trình Chính phủ, bước đầu đề xuất điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 60%,” ông Bằng nói.



Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Vũ Bằng nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Quyết định 51 về bán vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó ra thời hạn rõ ràng doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán.



“Văn bản này cho thấy quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam trong việc niêm yết,” ông Bằng nói./.


Theo vietnamplus.vn